Ác quỷ luôn tồn tại trong mỗi con người…

2500 năm trước, Khổng Tử đã khẳng định: “Nhân chi sơ tính bản thiện” – Con người sinh ra vốn có bản tính thiện. Hai trăm năm sau, Tuân Tử khẳng định: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã” – Bản tính con người là cái ác, cái thiện là do con người tạo ra. Thực tế, lý thuyết của Khổng Tử phổ biến hơn tại phương Đông, người phương Đông hướng tới bản tính thiện và đề cao cái thiện. Sigmund Freud – nhà tâm lý học từng khám phá ra tầng vô thức của con người đã khẳng định: “Con người đạo đức hơn ta nghĩ, nhưng cũng vô đạo đức hơn ta tưởng”. Học thuyết về Eros và Thanatos của ông dường như đồng thuận với tư tưởng của Tuân Tử. Liệu rằng niềm tin từ trước tới nay của chúng ta vào bản tính thiện của con người có còn đúng đắn? Liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về bản tính ác – con quỷ ẩn giấu bên trong chính mình chưa?

        Trong mỗi người luôn tồn tại hai mặt thiện ác, đó là quy luật. Hai mặt này tương ứng với phần con và phần người. Nó là hai mặt của một vấn đề ứng với quy luật âm dương, như ngày và đêm, yêu và ghét, đẹp và xấu, lớn và nhỏ, nóng và lạnh,… Thiện – ác luôn tồn tại song song, thiện tiêu thì ác trưởng và ngược lại, không có trạng thái thiện hoàn toàn hoặc ác hoàn toàn. Mỗi thái cực hiện hữu, có mặt trọn vẹn trong thái cực còn lại. Sâu bên trong một tên khủng bố máu lạnh vẫn còn sót lại chút tính người, sâu bên trong một thánh nhân vẫn tồn tại một con quỷ đang say ngủ.

Tính ác của con người đã được luận bàn bởi rất nhiều triết gia từ đông tây kim cổ. Với phương Tây, Sigmund Freud, trong cuốn “Nền văn minh và sự bất mãn của nó”, đã mô tả con người xã hội bằng một câu ngắn gọn: “Người đối với người là lang sói”. Có nghĩa là nếu trung thực với bản thân và với lịch sử, ta không thể phủ nhận bản tính ác trong con người. Bản tính ác đó hiện diện trong sự tàn bạo của đoàn quân thập tự chinh đánh chiếm Jerusalem, sự dã man của những trại tập trung và lò thiêu người của Đức quốc xã – nơi đã làm biến dạng nhân tính và thể xác của các tù nhân,… Freud là người đã chứng kiến thế chiến I với một loạt xung đột là hệ quả của bản tính ác trong con người như: chiến tranh, khủng bố, chiến tranh hạt nhân, khủng hoảng bệnh dịch, khủng hoảng tội ác, suy đồi đạo đức, bất công xã hội,… Ông nhìn thấy cái ác hiện diện khắp mọi nơi, bản tính thiện tốt đẹp của con người trong nghịch cảnh dường như cũng xếp sau bản tính ác và nỗi sợ hãi bản năng. Nó là chất liệu hình thành nên tư tưởng của Freud về bản tính ác trong con người.

        Với phương Đông, Tuân Tử là người đi tiên phong trong tư tưởng: Bản tính con người vốn ác. Tuân Tử là một bậc cao nhân của Trung Hoa cổ đại với những tư tưởng rất thực tế. Trong khi các bậc cao nhân cùng thời khuyên con người hướng thiện, kiềm chế tâm dục tham lam thì Tuân Tử lại quả quyết: “Dục là tự nhiên ai cũng có, không thể bớt đi hay bỏ lại mà không hại. Hữu dục mà hợp đạo cũng không hại, khử dục mà trái đạo cũng vô ích”. Dục đó chính là ham muốn, là bản tính ác của con người. Tuân Tử đã đưa ra tư tưởng rất hiện đại: thừa nhận tính ác của con người trong khi mọi người né tránh, chối bỏ. Ham muốn nếu hợp đạo thì không hại, còn cố loại bỏ nó nhưng trái với đạo lý thì loại bỏ cũng vô ích. Ông cũng cho rằng: bản tính của con người là ác, tính thiện là do con người tạo ra qua giáo dục, lễ nghĩa, pháp quyền.

 Bản tính ác trong mỗi người được kìm hãm bởi 2 sợi dây: sợi dây luân lý và sợi dây pháp lý. Sợi dây pháp lý là khung quy định chung cho tất cả mọi người trong một quốc gia, tổ chức. Nó mang tính áp chế, được thể hiện thông qua hệ thống luật pháp, bắt buộc mỗi người phải tuân theo và được điều chỉnh bởi các tổ chức hành pháp. Trong khi đó, sợi dây luân lý lại được xây dựng từ các giá trị đạo đức, các thang giá trị của người xưa truyền lại. Nó không bắt buộc mọi cá nhân đều phải thực hiện theo đúng những giá trị đó, mà họ được tự do lựa chọn thực hiện hay không tùy thuộc vào niềm tin và nhận thức của mỗi người. Sợi dây luân lý sẽ do tòa án lương tâm của mỗi người và dư luận xã hội điều chỉnh. Các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo,… cũng chính là một sợi dây luân lý. Hầu hết mọi tôn giáo, ngoài những đặc thù khác biệt về hình tượng tối cao và niềm tin tôn giáo thiêng liêng, đều có điểm chung là điều chỉnh các tín đồ đến lối sống hướng thiện, đề cao những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân văn, loại bỏ tính ác trong mỗi người.

        Thừa nhận một mặt tối khác đang tồn tại bên trong con người mình, một con quỷ chỉ chực chờ cơ hội thoát ra là việc không dễ dàng. Thừa nhận nó với chính mình đã khó, thừa nhận với mọi người rằng nó đang tồn tại đó lại càng khó hơn. Nhưng nó là sự thật, dù chúng ta có thừa nhận hay không thì nó vẫn luôn tồn tại. Sẽ ra sao nếu trong một tình huống nguy cấp, ta không kiểm soát được bản thân và để con quỷ bộc lộ chi phối hành vi của chính ta? Chúng ta đang sống trong giai đoạn các trào lưu văn hóa, tư tưởng phương Tây mạnh mẽ du nhập, pha trộn với các tư tưởng của phương Đông truyền thống, xuất hiện sự xung đột và đổ vỡ, gây bối rối, hoang mang về các giá trị của con người. Hoàn cảnh xã hội này đẩy chúng ta vào những tình huống đầy cám dỗ với nhiều lựa chọn hơn, lợi ích nhiều hơn nhưng trả giá cũng tương xứng. Do đó, việc kiểm soát bản tính ác trong mỗi người trở nên khó khăn gấp bội.

   Hoa sen thơm ngát trắng trong lớn lên từ bùn lầy hôi hám, chính bùn lầy đã nuôi dưỡng cho hoa sen lớn lên xinh đẹp tràn đầy như vậy. Hoa sen không thể rời bỏ bùn lầy, cũng như muốn có cái thiện trong sáng như hoa sen, chúng ta không thể chối bỏ các ác như bùn lầy. Biết được về bản tính ác, về mối nguy hại của nó, chúng ta có thể biến nó thành đòn bẩy để khơi dậy bản tính thiện trong mình lớn hơn, tìm cách chung sống với chính mình và với xã hội.

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook