Cheat sheet là một tờ giấy hoặc một mẩu giấy, có thể được viết trên 1 mặt hoặc cả 2 mặt giấy, chứa đựng những công thức, khái niệm và kiến thức liên quan đến một môn học cụ thể mà sinh viên được phép mang vào phòng thi như một tài liệu tham khảo hợp lệ.
“ĐỘNG CƠ” CỦA CHEAT SHEET LÀ GÌ?
Với cái khái niệm xuất thân của nó, cheat sheet hiển nhiên là một người bạn thân thiết nhất, có thể ví như “thần hộ mạng”, “bùa hộ thân” hay thậm chí là “kim bài miễn tử” của mỗi thí sinh khi bước vào phòng thi vì tính hợp lệ của nó, cũng như những nội dung chứa đựng bên trong nó. Khi chúng ta cần tra cứu nhanh một công thức, một khái niệm mà ta vô tình quên mất do tâm lý nặng nề trong phòng thi, cheat sheet chính là một “người nhắc tuồng” không thể tuyệt vời hơn ở ngay bên cạnh ta trong lúc khó khăn đó.
Nếu bạn dùng cheat sheet để ôn thi thì sao? Một điều ai cũng phải thừa nhận là: phần tóm tắt cô đọng, súc tích dễ học dễ ôn hơn so với những quyển sách giáo khoa, sách chuyên ngành (ta gọi nôm na là textbook) có độ dày 500-700 trang. Chính vì thế, ôn bài từ 1 cheat sheet chắc chắn là nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHEAT SHEET TRỞ NÊN HIỆU QUẢ NHẤT?
Kinh nghiệm bản thân đã cho tôi thấy, chuẩn bị cheat sheet hiệu quả cần cả một quá trình chứ không chỉ ngày một ngày hai. Ngay từ buổi học đầu tiên của mỗi học kỳ, sau giờ học thì tóm tắt bài, nhưng không tóm vào tập vở mà là 1 góc nhỏ trong tờ A4. Tương tự như vậy cho những buổi học sau, sau nửa học kỳ thì tóm được 1 tờ A4 2 mặt, và đến cuối học kỳ thì có 2 tờ A4 2 mặt cho mỗi môn học. Đến khi đi thi, tùy theo giảng viên, có người cho đem 2 tờ cheat sheet thì mình đem theo cả 2 vô phòng thi, có người giới hạn 1 tờ thì mình sẽ tóm tắt lại nội dung của 2 tờ A4 sẵn có này sao cho cô đọng hơn nữa (thực ra cũng là quá trình ôn lại bài). Thậm chí nếu giảng viên không cho đem cheat sheet thì mình cũng biết chắc là kiến thức ra trong đề thi sẽ mãi chỉ luẩn quẩn trong 2 tờ A4 này mà thôi, học thuộc là có thể giải quyết tốt vấn đề.
Triết gia người La Mã Lucius Annaeus Seneca có nói: “Luck is what happens when preparation meets opportunity” (tạm dịch là: May mắn sẽ xuất hiện khi sự chuẩn bị của bạn gặp được thời cơ). Vậy nên không thể nói một sinh viên may mắn “trúng tủ” nếu cheat sheet không có được sự đầu tư chu đáo và kỹ lưỡng. Chắc chắn rằng một cheat sheet được soạn thảo vội vàng trong vòng một ngày hoặc vài giờ trước khi thi làm sao có được chất lượng tốt bằng một cheat sheet đã được bắt tay soạn thảo ngay từ buổi học đầu tiên của học kỳ? Cheat sheet đó đã trải qua quá trình chỉnh sửa bổ sung, rút gọn và trau chuốt rất nhiều lần sao cho nó cô đọng nhất và súc tích nhất – chưa kể quá trình chỉnh sửa đó cũng đã đem lại cơ hội cho chủ nhân của cheat sheet có thể ôn bài dù ít hay nhiều.
Như vậy, chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu học kỳ sẽ tiết kiệm cho mình khá nhiều thời gian, không phải đợi đến gần thi mới lo làm cheat sheet theo yêu cầu của giảng viên, mà chỉ là lấy ra ôn lại hoặc làm thêm bài tập vận dụng cho thông hiểu trôi chảy những vấn đề đã đưa vào cheat sheet. Đó chẳng phải là tư tưởng “tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt – một danh tướng nước Đại Việt dưới triều Lý hay sao? “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó” – ngồi yên chờ kỳ thi với hàng loạt kiến thức muôn hình vạn trạng đến sao bằng ta chủ động học ôn, nắm chắc kiến thức ngay từ đầu, đúng không nào?
Nguồn: st
1 cheat sheet hữu ích được anh Hoàng Dư chia sẻ : https://docs.emmet.io/cheat-sheet/