Game tuy có tính giải trí cao nhưng cũng gây nghiện và khiến bạn bỏ bê nhiều chuyện quan trọng hơn trong cuộc sống. Để không mất nhiều thời gian và sức khỏe quý báu trước màn hình máy tính, bạn cần tìm cách cai nghiện game hiệu quả.
Khi game trở thành “chất gây nghiện”, bạn dễ mất nhiều thời gian, tiền bạc, mối quan hệ và quan trọng nhất là sức khỏe. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực này nếu có cách cai nghiện game đúng đắn.
Triệu chứng của chứng nghiện game
cai nghiện game
Trước khi tìm cách chữa nghiện game, bạn cần xác định xem mình có những dấu hiệu của chứng nghiện này không. Bạn có thể quan sát một vài dấu hiệu nghiện game như sau:
• Dành nhiều thời gian rảnh để chơi game: Lúc đầu, bạn có thể chỉ chơi một tiếng mỗi ngày nhưng khoảng thời gian chơi game này dần tăng lên. Bạn có thể dành hết thời gian mình có để chơi game và không nghỉ ngơi.
• Bỏ bê việc học hoặc công việc: Việc nghỉ học hay nghỉ làm vài ngày khi bệnh là bình thường. Thế nhưng, bạn cần lo lắng khi thấy mình lấy lý do bệnh để có thể ở nhà chơi game.
• Không quan tâm tới gia đình: Một dấu hiệu nguy hiểm của chứng nghiện game là bạn ưu tiên việc chơi game lên trên cả người thân của mình. Bạn cần tìm cách cải thiện tình hình nếu thấy thời gian chơi game của mình nhiều hơn thời gian dành cho ba mẹ, bạn đời hay con cái.
• Bỏ bê ngoại hình của mình: Khi dành quá nhiều thời gian chơi game, bạn sẽ khó lòng chăm sóc tới tóc tai, quần áo hay làn da của mình. Tình trạng nghiện game càng kéo dài, vẻ ngoài của bạn càng đi xuống.
• Gặp nhiều vấn đề sức khỏe: Chứng nghiện game sẽ dẫn đến thói quen thức khuya, bỏ bữa, gặp sai lầm trong chế độ ăn uống… Những thói quen xấu này sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
• Chi quá nhiều tiền cho game: Một dấu hiệu rõ ràng của chứng nghiện game là bạn cắt xén chi tiêu ở những khoản quan trọng khác để dùng vào game. Ví dụ như bạn sẵn sàng khất nợ tiền thuê nhà chỉ để có tiền nạp game bài hay mua một game mới ra.
Ảnh hưởng của chứng nghiện game
cai nghiện game
Việc chơi game quá nhiều ảnh hưởng đến nhiều mặt quan trọng của cuộc sống như gia đình, công việc, mối quan hệ bạn bè…
• Ảnh hưởng đến gia đình: Người thân của bạn có thể cảm thấy mình không được quan tâm đúng mực khi thấy bạn liên tục chơi game. Bạn cũng sẽ có thể bỏ lỡ những buổi ăn uống, tiệc tùng hay những sự kiện quan trọng của cả nhà. Điều này có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ gia đình đầm ấm của bạn đang có đấy.
• Ảnh hưởng lên bạn bè: Khi bạn không dành thời gian cho bạn bè mà chỉ chú tâm vào game, những mối quan hệ này cũng sẽ dần phai nhạt. Sau một thời gian, bạn sẽ không còn nhiều bạn bè để cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
• Ảnh hưởng đến công việc: Bạn có thể không đạt hiệu suất làm việc như trước sau một khoảng thời gian quá chú tâm vào game. Điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập mỗi tháng và cả tương lai sau này của bạn.
• Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Khi ngồi trước màn hình máy tính quá nhiều, bạn có thể bị tăng cân, động kinh, mệt mỏi…
• Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý: Không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, game còn có thể dẫn đến một số vấn đề tâm lý như hay nóng giận, trầm cảm, xa lánh xã hội…
• Ảnh hưởng đến tài chính: Chứng nghiện game đánh bài có thể ảnh hưởng tới hiệu suất công việc, từ đó khiến thu nhập giảm sút. Hơn nữa, việc tiêu quá nhiều tiền vào game cũng khiến tình hình tài chính của bạn đi xuống.
Các cách cai nghiện game hiệu quả
cai nghiện game
Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi cai nghiện game dù đã thấy rõ những ảnh hưởng tiêu cực của chứng này. Thế nhưng, bạn có thể áp dụng một số cách để biến game thành một thú vui giải trí lành mạnh như sau:
• Không dừng chơi game hoàn toàn: Nếu đã quen với việc dành cả ngày để chơi game thì bạn sẽ thấy rất trống rỗng và hụt hẫng khi buộc bản thân phải dừng chơi hoàn toàn. Cảm giác này có thể khiến bạn dễ nghiện lại và còn lún sâu vào game hơn trước. Vậy nên, bạn hãy đặt mục tiêu giảm dần thời gian chơi game thay vì từ bỏ hoàn toàn “chất gây nghiện” này.
• Đặt thời gian khi chơi: Bạn hãy tự đặt cho mình một khoảng thời gian như nửa tiếng hay một tiếng để chơi game mỗi ngày. Nếu thấy khó khăn, bạn có thể cài chế độ hẹn giờ trên điện thoại hoặc máy tính để game tự tắt khi thời gian đã hết. Ngoài ra, bạn cũng cần đặt thời gian nghỉ vào phút giữa các hiệp game thay vì ngồi chơi liên tục một tiếng nhé.
• Hạn chế số game bạn chơi: Chứng nghiện game có thể ngày càng nặng nếu bạn cài quá nhiều game vào điện thoại, liên tục game mới hay mua các thiết bị chơi game. Vậy nên, bạn hãy tập trung chơi một vài game mình thích nhất thay vì cài hay mua game mới nhé.
• Hạn chế số tiền chi cho game: Để quản lý tiền bạc tốt hơn, bạn hãy đặt ra cho mình những nguyên tắc tài chính. Ví dụ, bạn cần chi trả trước những khoản thiết yếu như tiền nhà hay tiền điện nước mỗi khi nhận lương. Bên cạnh đó, bạn hãy đặt ra một hạn mức nhất định dành cho game để không bị tiêu quá tay.
• Chọn các game có hoạt động thể chất: Hiện nay đã có một số game đòi hỏi người chơi phải đứng hay phải di chuyển. Bạn hãy chơi những game có thể tranh thủ vận động trong khi chơi.
• Chọn các game thích hợp với cả nhà: Bạn hãy chọn những game mà các thành viên trong gia đình đều có thể tham gia. Đây là cách giúp bạn giữ gìn mối quan hệ gia đình dù vẫn muốn chơi game. Tuy nhiên, bạn vẫn cần giới hạn thời gian game với cả nhà để chứng nghiện không nặng thêm.
• Tìm sở thích mới lạ: Bạn có thể lấp kín thời gian rảnh bằng những sở thích khác của mình như nấu ăn, làm vườn, viết lách, đi chơi với bạn… Những thú vui này sẽ khiến bạn bận rộn và không còn nghĩ tới game nữa.
• Kiểm tra sức khỏe tâm lý: Đôi khi chứng nghiện chơi game cũng là một bệnh lý thần kinh tiềm ẩn bạn chưa phát hiện. Vậy nên, bạn hãy đến bác sĩ tâm lý nếu thấy các dấu hiệu bất thường.
Khi biết cách cai nghiện game hợp lý, bạn sẽ có một cách giải trí lành mạnh và thú vị mỗi khi rảnh mà vẫn giữ được sức khỏe. Lúc này, cuộc sống sẽ vô cùng cân bằng với đủ những giờ phút căng thẳng làm việc, những buổi sum họp gia đình và bạn bè vui vẻ cùng thời gian chơi game dành riêng cho bạn.