Sách: 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt.

Từ hôm qua đến giờ đầu óc mình cứ choáng váng và chẳng thể tập trung nổi, cũng đã khá lâu rồi mình mới có những ngày mà thời gian ngủ của mình phải chiếm đến hơn nửa quỹ thời gian cho một ngày như vậy. Cứ để bản thân vùi mình vào chăn như thế thì lại để thời gian phí hoài và hủy hoại thói quen của bản thân quá, nên mình nghĩ phải tìm cái gì đó có ích để làm (ngoài học ra, vì chẳng thể nào tập trung suy nghĩ nổi) và mình nghĩ đến việc đọc sách.

Cuốn sách “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt” là một cuốn sách mình được tặng bởi chị Châu, một người chị, người cô đã dìu dắt mình và cả lớp C1019i1 suốt quãng đường chập chững bước ở module1, tuy chị đã không còn dẫn dắt bọn mình trong module2, nhưng với bọn mình, chị vẫn luôn là người chị thân thiết không thể thay thế được. Điều đầu tiên em muốn là xin lỗi chị Châu vì chẳng dành thời gian đọc cuốn sách của chị được, phần vì nhiều việc phải làm, phần vì lười, phần nhiều vì cũng đã lâu em đã mất đi thói quen, sở thích là đọc sách, nên đến bây giờ, cuốn sách vẫn còn nằm một góc trong balo với mới chỉ chục trang được lật dở. Nhân một ngày như thế này, em quyết định lật dở quyển sách, đọc và viết ra cảm nhận của mình lên đây như là việc luyện lại thói quen đọc sách, thực hiện mục tiêu đã nêu nhưng chưa thực hiện được trong báo cáo là “đọc sách và viết cảm nhận lên blog”, cũng là để trước khi kết thúc module2 có thể nói với chị Châu rằng: ” cám ơn chị, cuốn sách hay lắm, em học được rất nhiều điều từ nó”.

Vậy ta cùng bắt đầu thôi, mình sẽ viết một chút cảm nhận về phần đầu của cuốn sách: Xây dựng thói quen.

Thói quen, là một điều quan trọng của mỗi chúng ta. Thói quen tốt sẽ dẫn dắt chúng ta đến thành công, trong khi thói quen tốt thì ngược lại, sẽ đẩy chúng ta xuống vực. Khi gặp một vấn đề nào đó, thói quen tốt sẽ dắt chúng ta đến nhưng hướng giải quyết tốt- một cách vô thức và nhiều khi chúng ta còn chẳng nhận ra nổi, trong khi cũng trong trường hợp như vậy, thói quen xấu sẽ đẩy dần chúng ta ra khỏi đường ray lúc nào không hay để đến khi nhìn lại, chúng ta đã bị đẩy xa ra thứ gọi là thành công rất rất xa rồi. Điều này chắc cũng chẳng phải là điều gì mới mẻ, vì bạn nhận thức được điều đó, và khi bạn vừa mới bước chân vào codegym, codegym cũng đã lặp đi lặp lại với bạn rất nhiều lần về tầm quan trọng của thói quen và hướng dẫn bạn trong suốt quá trình học cách để tạo lập những thói quen tốt rồi đúng không?

7 thói quen thành đạt, chúng là những gì?
– Thói quen 1: Luôn chủ động:
                       Tập có trách nhiệm với bản thân.
– Thói quen 2: Nhắm trước đích đến:
                       Xác định nhiệm vụ và mục đích của mình trong cuộc sống.
– Thói quen 3: Ưu tiên việc cần ưu tiên:
                       Làm điều quan trọng trước.
– Thói quen 4: Tư duy cùng thắng:
                       Không mong cho người khác thất bại.
– Thói quen 5: Lắng nghe để được lắng nghe:
                       Lắng nghe chân thành để được người khác lắng nghe, thấu hiểu.
– Thói quen 6: Có tinh thần hợp tác:
                       Hợp lực làm việc để đạt hiệu quả tối ưu.
– Thói quen 7: Mài lưỡi cưa thật bén:
                       Luôn có ý thức nâng cấp bản thân.

Thói quen 1,2 và 3 sẽ là những thói quen giúp ta nuôi dưỡng bản thân, thói quen 4,5 và 6 là những thói quen giúp ta chinh phục cộng đồng, và thói quen thứ 7 là thói quen ta cần lưu ý và luyện tập hằng ngày: luôn nâng cấp giá trị của bản thân. Thói quen tốt sẽ là chiếc chìa khóa giúp chúng ta thành công và sống hạnh phúc hơn và thói quen xấu thì ngược lại. May mắn thay thói quen lại là một điều chúng ta có thể thay đổi được.

Điều tiếp theo cuốn sách đề cập đến, là một điều mình rất quan tâm và hứng thú với nó: quan niệm và nguyên tắc sống. Nội dung của phần này giúp chúng ta nắm bắt được vấn đề, một quan niệm khá chủ chốt trong việc hình thành nên growth mindset: Bạn nhìn nhận như thế nào thì bạn sẽ đạt được như thế ấy.

Nhận thức là gì? Nhận thức là những điều chúng ta nhìn nhận về một sự vật, sự việc, thậm chí là niềm tin của bạn. Và như bạn cũng có thể thấy được, nhận thức tạo ra những giới hạn. Có 3 loại nhận thức: nhận thức về bản thân, người khác và cuộc sống. Nhận thức thường là thứ phiếm diện của bản thân, và gần như nó chẳng hề chính xác như cách bạn nghĩ. Hãy luôn nhìn nhận đúng bản chất của bản thân và những người khác cũng như cuộc sống xung quanh, nếu bạn đang không biết gì về bản thân hay người khác, đừng đánh giá họ. Nếu đã đánh giá và nhìn nhận họ, hãy nhìn nhận đúng, tìm hiểu bản thân và người đó một cách chân thành và thấu hiểu để có thể nhìn nhận đúng và khách quan, không làm tổn thương bản thân và mối quan hệ của bạn.

Và khi bạn nhìn nhận được một vấn đề nào đó, ta luôn có xu hướng đặt trọng tâm của mình vào những gì bản thân cho là quan trọng và chiếm lấy những suy nghĩ của mình. Đó là cô bạn crush xinh xắn, là chuyện học hành của mình, là mục tiêu phía trước. Cuốn sách và cả mình không cho rằng điều đó là sai, nhưng đôi khi bạn đang quá đặt nặng trọng tâm lên những điều đó quá. Nó làm bản thân bạn bị mất cân bằng mà quên mất những thứ xung quanh bạn, những điều bạn cần quan tâm. Mình là một người như vậy. Bản thân mình chẳng thể nào quan tâm hết mọi thứ xung quanh, luôn bị tập trung thái quá vào một vấn đề nào đó và bỏ bê những thứ còn lại. Trong khi bản thân mình có thể cân bằng và làm tốt mọi thứ cùng lúc. Như cái cách mình cắm mặt vào code mỗi ngày để hoàn thành bài tập ở lớp hay bài tập thêm, đọc thêm tài liệu mà quên mất việc trau dồi sức khỏe, để bản thân bị tụt mất gần 7kg trong vòng 1 tháng rưỡi, bỏ bê bạn bè mà thực tế mình có thể dành thời gian 1 đến vài tiếng cho bọn nó mỗi tuần để cân bằng các mối quan hệ,….

Chốt lại cho vấn đề này là gì? Đừng nên đặt trọng tâm quá vào một người, một việc nào đó, hay cả chính bản thân bạn. Điều mà mình đút rút ra trong suốt quá trình mình vật lộn giữa đống bùn trong mấy năm học đại học, từ chuyện tình cảm, gia đình và mọi thứ xung quanh. việc đặt trọng tâm quá nhiều vào một thứ gì đó sẽ chỉ làm bạn tổn thương khi bạn không nhận lại được những gì bạn cho đi, và khi họ ra đi hay không đối xử tốt với bạn, bạn sẽ chơi vơi và chẳng biết định hướng của bản thân là gì. Bạn sẽ chẳng bao giờ làm hài lòng được ai, ngay cả với chính bạn, vì thế ngưng làm điều đó đi. Đặc biệt là trong chuyện tình cảm, một mục tiêu được dẫn lối bởi một người hay bởi chính cảm xúc là một thứ mong manh và dễ vỡ. Vốn dĩ con người và cảm xúc đã dễ thay đổi rồi. Và đến khi nhìn lại, khi nó thực sự vỡ, bạn sẽ mất định hướng kinh khủng, và nếu bạn không thật sự tỉnh táo bạn sẽ dễ đánh mất chính mình. Vậy, chúng ta cần làm gì? Điều đúng đắn chúng ta nên làm là đặt trọng tâm của mình vào một nguyên tắc sống đúng đắn. Bạn không cần tìm kiếm nó, nó chẳng hề khó nhận ra, và trái tim bạn thì luôn nhận ra chúng, như cách kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc vậy.

Nguyên tắc là thứ sẽ không bao giờ bỏ rơi, từ chối hay đối xử tệ với bạn. Và khi ta đặt trọng tâm vào nó, mọi nguyên tắc khác sẽ được nuôi dưỡng. Khi gặp một vấn đề, bạn hãy luôn tự hỏi : “mình có thể giải quyết vấn đề theo nguyên tắc nào?” . Khi bạn cảm thấy bạn bị cuộc đời vùi dập, hãy tìm đến nguyên tắc cân bằng. Khi nhiều người xung quanh không tin tưởng bạn, hãy thực hiện nguyên tắc trung thực và chân thành. Như câu chuyện cảm động về tình anh em mà cuốn sách trích dẫn. 2 người anh em cùng đi lính, trong 1 trận chiến, người  em không may bị trúng đạn và người anh đã nằng nặc xin chỉ huy cho phép được quay lại mang người em về. Người chỉ huy không cho phép và nói rằng cậu ấy đã chết, và việc người anh quay lại là quá vô ích. Nhưng dưới lòng kiên trì của người anh, viên chỉ huy cũng đành chấp nhận. Khi người anh đưa người em quay lại, quả thật cậu đã chết. Viên chỉ huy nói với người anh về sự vô ích trong việc làm của cậu. Người anh đáp: “Không, chỉ huy. Khi tôi quay lại thì em ấy vẫn còn thoi thóp. Nó nói với tôi rằng ‘Tom, em biết anh sẽ đến mà’.

Đọc phần đầu cuốn sách mình thấy rất hấp dẫn, và nó cũng đang đề cập đến khá nhiều vấn đề mình đang đọc phải, nên chắc là mình sẽ dành thời gian để đọc nó nhiều hơn. Cũng như có thới gian để suy nghĩ về những gì nó đề cập, những gì mình cần thực hiện qua việc học hỏi nó. Mục tiêu là trong vòng 2 tuần có thể hoàn thành cuốn sách này. 2 tuần là khá dài cho một cuốn sách, nhưng đọc ở đây không chỉ là đọc, mà là cảm nhận, là đút rút bài học. Nên mình nghĩ 2 tuần là hợp lí.

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook