Lối sống tối giản giờ đây được nhiều người ưa chuộng và xem là kim chỉ nam cho họ trong mọi việc nhưng không ít có người phản đối lối sống này. Cũng như bất cứ vấn đề nào, nhất là những thứ mới, chúng ta đều dễ dàng nhận ra hai mặt lối sống tối giản bao gồm ưu và nhược điểm của nó: Hai mặt lối sống tối giản biết để tận dụng thời gian vàng bạc một cách hiệu quả
1. Ưu điểm của lối sống tối giản
1. Không phải bận rộn vì phải dọn quá nhiều đồ
Khi loại bỏ bớt quần áo cũ và đồ đạc không dùng đến, bạn sẽ tạo được không gian cho sự thư thái trong tâm hồn. Không còn cảm giác ngột ngạt mỗi khi mở tủ hay về nhà và thấy đồ đạc ngồn ngộn. Giờ đây bạn có thể thoải mái hít thở và lấp đầy cuộc sống bằng những điều ý nghĩa hơn là bằng của cải vật chất.
2. Tự do hơn
Từ những mối quan hệ cho tới món đồ đạc nó như những sợi dây vô hình buộc bạn lại.
Thật không hay khi bất cứ ai rủ đi chơi bạn cũng đồng ý. Điều đó đôi khi khiến bản thân quá tải trong các mối quan hệ. Nhưng nay bạn có thể lựa chọn nếu đó là mối quan hệ thực sự quan trọng, bạn sẽ cảm thấy tự do hơn, không vì ngại ngùng mà làm việc bạn không thích.
Bạn giải phóng được những đồ vật, những mối quan hệ độc hại và có thời gian dành cho bản thân, để làm việc bạn thực sự thích như: đọc một cuốn sách mới chẳng hạn.
3. Có thời gian tập trung vào sức khoẻ và sở thích của bạn
Khi bạn dành ít thời gian hơn cho các cửa hàng mua sắm, hay cố gắng bắt kịp một xu thế nào đó, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân, làm những điều bạn muốn và thật sự có ý nghĩa với bạn. Giờ đây mối quan tâm duy nhất đó là chính bạn và sức khỏe của bạn, trong khi người khác bận rộn với dọn dẹp thì bạn chỉ cần làm một loáng là xong và có thể thưởng thức một ngày với lũ trẻ, tới phòng tập thể dục, tập yoga, đọc sách hay đi du lịch.
4. Tránh lãng phí
Hạn chế mua sắm những thứ xa hoa, không cần thiết để cuộc sống xung quanh không vướng bận nhiều và giữ cho tâm hồn thư thái hơn.
Trước đây chúng ta hay thường mua đồ lúc buồn vì nghĩ rằng đó là cách khôn ngoan, tiền mình làm ra để thỏa mãn bản thân. Nhưng khi theo đuổi lối sống mới bạn nhận ra tiền cũng không thể làm bạn vui.
Nỗi buồn ở sâu trong lòng cần tự chúng ta giải quyết chứ không phải bằng từ việc nào đó bên ngoài như mua sắm. Trước đây, vì buồn bạn có thể tiêu nhiều hơn số mình kiếm được và chẳng tích lũy được gì cả. Nhưng nay bạn đã bắt đầu tiết kiệm được tiền.
Hoặc ví dụ như khi bạn sở hữu quá nhiều đồ bạn sẽ cần người trông nom, chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng,… Những việc này ngốn của bạn không ít tiền mà bạn nghĩ rằng đó là việc cần tiêu. Nay bạn đã để được một khoản kha khá nhờ vào việc tối giản đồ dùng mỗi ngày, cho đi những thứ không cần thiết.
Nhược điểm của lối sống tối giản
1. Việc làm quen với nó không dễ dàng
Tập sống tối giản là một cuộc hành trình dài tính theo năm chứ không phải cứ hô hào một tuần, vài tháng là được. Đó thực sự là một thử thách đối với tôi bởi cứ mỗi khi xem quảng cáo, bạn bị chính mình thôi thúc, muốn tha lôi về nhà hàng loạt những món đồ, muốn mua sắm thêm quần áo, giày dép…
Quay trở lại mục đích cốt lõi của Chủ nghĩa tối giản là giải phóng con người khỏi đồ đạc và những thứ không còn ý nghĩa để tập trung thời gian và năng lượng vào những điều tích cực hơn, việc suốt ngày quay quanh đồ đạc của mình, dù là để mua thêm hay để bỏ đi, cũng là không hiệu quả. Đó là một quá trình dài bởi bạn phải dọn dẹp lại cuộc sống của mình liên tục và khá vất vả, với việc có một số lượng ít quần áo, thường xuyên được quay vòng và mặc đi mặc lại nhiều lần trong thời gian ngắn, ai đang xây dựng tủ quần áo tối giản đều cần cân nhắc đến việc giặt đồ nhiều hơn mỗi tuần.
2. Khó dung hòa với mọi người
Không phải ai cũng hiểu và chấp nhận lối sống này, sẽ có người cho rằng sống mà không hưởng thụ thật phí đời.
Nhất là bạn sẽ dễ bị đối chọi với người lớn tuổi – những người thích tích trữ nhiều đồ đạc trong nhà. Nhưng điều bạn phải hiểu rõ rằng bạn không thể thay đổi ai, không thể cáu kỉnh bắt ông bà, bố mẹ, chồng, con,… hoàn toàn đi theo lối sống này của mình.
Đặc biệt là nếu bạn đã có gia đình, nếu lối sống của bạn đối chọi với chồng/vợ mình thì đó lại là việc cực kỳ khó khăn. Bạn không chỉ bị chỉ trích mà bên cạnh đó còn phải tôn trọng lối sống khác biệt kia.
3. “Vô cảm” với món đồ mới ai đó mới mua
Bạn không chỉ không thích sắm nhiều đồ mà còn có xu hướng “dị ứng” khi ai đó mua thêm vài món đồ mới mà theo bạn là việc đó không cần thiết.
Sẽ có người cho rằng bạn vô cảm, vô tâm, nhưng đúng là lâu dần bạn đã mất đi cảm xúc với những món đồ mới, không còn thấy áy náy vì không mua được món đồ yêu thích nào đó.
Sẽ có những đồ đạc tiện nghi được tạo ra để phục vụ cho cuộc sống con người, làm cho chủ nhân sử dụng cảm thấy thoải mái. Và khi đi theo trào lưu này bạn dường như bị miễn nhiễm với tất cả, sẽ có người dè bỉu cho rằng: Chẳng ai bán được cho bạn cái gì, ai cũng như bạn thì còn kinh doanh làm gì!