Hãy luôn giữ vững niềm tin vào cuộc sống, bởi những điều kỳ diệu và tốt đẹp vẫn đang chờ bạn khám phá

“Giữa vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”. Điều này khiến bạn nghĩ gì? Một thiên nhiên sinh tồn khắc nghiệt, một loài cây mạnh mẽ, kiên cường hay một sức sống khiến người ta phải thốt lên rằng “thật kỳ diệu”?

Cuộc sống là thế, muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, hạnh phúc xen lẫn khổ đau. Và con người luôn trong tư thế sẵn sàng trên hành trình khám phá cuộc sống. Như Paustovsky đã nhận định: “Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy luôn tin rằng cuộc sống là điều kỳ diệu và đẹp đẽ”.

Cuộc sống được tạo nên từ những mảng màu sáng tối hòa trộn với nhau. Nó không chỉ là nụ cười mà còn là nước mắt. Nhưng dù ai có nói với bạn điều gì, đó là những sóng gió, khổ đau, những nghịch cảnh hay nghịch lý trong cuộc đời, thì bạn đừng bi quan, hãy luôn tin rằng: cuộc sống còn có biết bao điều tốt đẹp, bao điều kỳ diệu đang chờ bạn khám phá. Niềm tin là sự kỳ vọng, đặt hy vọng của mình vào cuộc sống, vào con người bất kể các điều kiện, các tác nhân không tích cực bên ngoài. Một niềm tin tưởng đúng đắn là niềm tin đặt vào những gì tốt đẹp và có cơ sở.

Nó có thể là sự tin tưởng về những điều lớn lao và vĩ đại, sự tin tưởng về những việc nhỏ bé, thường ngày hay sự tin tưởng vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Sự diệu kì trong cuộc sống có rất nhiều cách hiểu, cách cảm nhận tùy thuộc vào mỗi người. Người ta thường cho rằng, những ước mơ, những khát khao, những điều mong muốn tưởng chừng như không xảy ra trong cuộc sống là những điều đẹp đẽ và kỳ diệu. Thế nhưng, đôi khi điều kì diệu vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta một cách bình dị và đơn giản nhất. Nhận định trên chính là tư tưởng được trích trong câu nói của nhạc sĩ E-đua Gri-giơ tặng cô bé Đanhi trong truyện ngắn “Lẵng quả thông” của Paustovsky. Đó cũng là món quà mà Paustovsky muốn gửi đến con người, giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào sức mạnh kỳ diệu của cuộc sống dù không phải lúc nào nó cũng tươi đẹp.

Càng lớn lên tôi càng thấm thía rằng, hóa ra cuộc sống không chỉ có màu hồng như mình tưởng. Cuộc sống ngoài kia vẫn luôn có những nỗi buồn qua nhiều thế hệ do chiến tranh, do thiên tai, do bệnh tật… gây nên. Và cuộc sống của những người xung quanh hay chính bản thân tôi cũng không hề đơn giản và bình lặng. Tôi chưa trải qua nhiều chông gai của cuộc đời nhưng phần nào đó, tôi đã cảm nhận được nỗi vất vả, trăn trở của ba mẹ để kiếm tiền nuôi bốn chị em tôi ăn học giữa cuộc sống ngày một khó khăn này, hay chính nỗi lo sợ của tôi trước việc chọn trường, chọn nghề dựa vào thực lực…

Nhiều khi, nhìn vào những mảng tối trong cuộc sống, tôi thấy buồn và chán nản, thậm chí là mất niềm tin vào cuộc sống. Thế nhưng, có lẽ do quá chăm chú vào vết mực mà tôi quên rằng trên tờ giấy vẫn còn rất nhiều khoảng trắng. Nó cũng giống như việc chỉ biết nhìn vào những nỗi đau mà quên mất được sống là điều đẹp đẽ và kỳ diệu. Ngay từ khi là một bào thai lớn dần trong bụng mẹ, ta đã là một diệu kì của tạo hóa. Trong từng bước đường đời, có vô vàn điều kì diệu vẫn xảy đến xung quanh ta nhưng nó luôn tồn tại một cách lặng lẽ và cần thiết như không khí khiến ta dường như không nghĩ tới và hầu như quên mất.

Nhà văn Mỹ Helen Keller từng tâm sự: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”. Bên cạnh những nỗi đau con người phải gánh chịu, người ta vẫn có thể nhận ra những điểm tích cực của nó bằng một tâm hồn lạc quan, biết tin tưởng vào những gì đẹp đẽ của cuộc sống. Có niềm tin cuộc sống, dù chỉ một chút thôi, ta có thể nhận ra rằng, chính nhờ một tuổi thơ không bình lặng, ta trở nên cứng cáp và bản lĩnh hơn, chính nhờ lần ta bị ốm và phải nằm viện, ta làm quen được với một người bạn bị bệnh tim bẩm sinh nhưng luôn có những ước mơ đẹp đến nhường nào. Đặt niềm tin vào những gì tốt đẹp, con người sẽ vượt lên hoàn cảnh của bản thân, có nghị lực để thay đổi hay sống cuộc đời hạnh phúc mà ta mong muốn.

Có lẽ không ai ngờ một người bị điếc như Beethoven lại có thể sáng tác nên những bản nhạc tuyệt mỹ lưu danh muôn đời, một người có thể vượt qua căn bệnh ung thư để chiến thắng những vòng đua nước Pháp như Lance Armstrong, một Andersen từng phải đi quét dọn và đóng những vai kịch tầm thường lại trở thành ông hoàng của truyện cổ tích… Một khi đã có thể tin rằng, cuộc sống này tươi đẹp, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chia sẻ với người khác. Bạn sẽ nhận ra rằng, hóa ra đứa bạn ngồi bàn trên luôn nói cười vui vẻ vẫn luôn phải vất vả đi làm thêm mỗi tối để trợ giúp gia đình. Bạn sẽ nhận ra rằng trước nay chỉ có bạn lảng tránh mọi người, còn mọi người vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần hay những lúc bạn gặp khó khăn và cần họ bên cạnh. Phải chăng đó cũng là những điều rất nhỏ nhoi, rất ý nghĩa mà với cách nhìn cuộc sống trước kia bạn chưa hề nghĩ tới.

Cuộc sống của con người trước nay vẫn thế, đối diện với muôn mặt đối lập khác nhau. Nhưng nhờ những mặt khác nhau ấy, ta mới nhận ra cuộc sống đáng quý biết nhường nào. Cùng một vấn đề nhưng với điểm nhìn và cách giải quyết khác nhau thì sẽ tạo ra hệ quả khác nhau. Có thể cùng bị hỏng xe khi gần đến trường nhưng một người sẽ bực bội cả ngày hôm đó còn người kia vẫn vui vẻ vì nghĩ rằng, thật may khi nó không hỏng lúc rời nhà một đoạn. Thực ra, trước một trường hợp xấu xảy ra trong cuộc sống, theo bản năng con người sẽ buồn phiền, chán nản, thất vọng hay bực tức nhưng nếu bình tĩnh lại, ta có thể thấy những mặt tích cực của nó.

Để có thể gạt bỏ những gì người ta nói và có niềm tin vào cuộc sống kỳ diệu này, điều quan trọng hơn cả là cần tư duy và nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Đôi khi cũng cần thoát ly sách vở, lý thuyết để tự mình cảm nhận cuộc sống đẹp đẽ đến nhường nào. Có lẽ khi đó, chỉ cần thấy tán bàng trước sân nhà dường như sau một đêm đã thay màu lá, cái mầm non ươm trồng ngày nào giờ đã trở thành cây xanh tỏa bóng mát, từng đàn chim én đã bay trở về khi mùa xuân ấm áp… Đó là lúc con người đã thấy được: cuộc sống thật diệu kỳ và đẹp đẽ.

Nhưng cũng thật lạ, xã hội bây giờ điều kiện tốt hơn rất nhiều so với trước đây song số lượng người mắc bệnh trầm cảm và tự kỷ lại tăng lên rất lớn. Thay vì việc hy sinh tất cả để có quyền được sống, được tự do như trước kia thì không ít người đã, đang chìm đắm vào bi quan thái quá và tìm đến cái chết với nhiều hình thức. Phải chăng, đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường khi con người ta chỉ lao đầu vào công việc mà quên dừng lại để dành một chút thời gian cảm nhận và tận hưởng những vẻ đẹp kì diệu từ cuộc sống. Nghệ sĩ áp lực vì công việc, thanh niên vì người yêu từ chối, học sinh vì bị không đạt được kết quả như mong ước hay con cái vì bị ba mẹ mắng chửi mà quyết định tự kết thúc cuộc đời mình…

Giờ phút họ quyết định làm những việc như vậy, có lẽ họ đã quên mất rằng ở nhà vẫn có người chờ mong họ cùng ăn cơm và nghe họ kể về một ngày đầy trải nghiệm, vẫn có người vì một lời động viên của họ mà đang cố gắng thay đổi bản thân tốt lên, vẫn có một bờ vai sẵn sàng làm chỗ dựa khi họ mệt mỏi… Bên cạnh đó, cũng lại có những người đặt niềm tin vào cuộc sống một cách ngây thơ như truyện cổ tích.

Họ mong muốn sẽ đi du học, tìm hiểu và khám phá những vùng đất khác nhau trên thế giới mặc dù ngày hôm nay chẳng chịu bỏ ra 15 phút để luyện ngoại ngữ. Họ bàng quan với cuộc sống của tất thảy mọi người xung quanh mà vẫn đinh ninh rằng, khi mình gặp khó khăn không ít người sẽ giơ tay ra giúp đỡ. Thật tình cuộc sống này đều có nhân quả cả! Truyện cổ tích cũng vậy, Lọ Lem, Bạch Tuyết, nàng công chúa ngủ trong rừng… đều gặp được những bà Tiên tốt bụng hay vua cha, chàng hoàng tử vì họ là những cô gái xinh đẹp, tốt bụng, chăm chỉ, luôn sống hết mình vì một cuộc sống tốt đẹp.

Người nghệ sĩ Eđua Gri-gơ đã nhận ra những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc sống khi gặp cô bé Đanhi 4 tuổi và quyết tâm viết một bản nhạc tặng cô bé sau mười năm, cô bé ấy cũng đã xúc động biết bao khi đã nhận nó vào năm 18 tuổi. Paustovsky không tặng riêng ai món quà kỳ diệu của cuộc sống. Nhưng ông khiến nhiều người nhận ra sự tồn tại của nó và biết đặt niềm tin vào nó. Đó thực sự là một điều đáng quý, đáng trân trọng. Những gì xuất phát từ rung cảm của trái tim và trải nghiệm của cuộc sống là những gì bền vững nhất.

Đối với tôi, gặp được gặp được câu nói này của Paustovsky cũng là một điều kỳ diệu. Có lẽ, nó không cho tôi cuộc sống đẹp hơn nhưng tôi sẽ có ý chí để sống tốt hơn. Tôi sẽ thôi buồn vì tuổi thơ tôi không đẹp như mấy đứa bạn tôi kể, sẽ không oán trách cuộc đời vì sinh ra không may mắn được giàu sang như chị họ của mình, sẽ không khóc vì một ngày trôi qua chẳng lấy gì làm suôn sẻ…

Đôi khi, trong một hoàn cảnh không thuận lợi, sức sống của con người sẽ bền bỉ và mãnh liệt hơn. Chính tôi đây, nếu biến cố ngày ấy không xảy ra với tôi, thì giờ đây tôi đã không có gì để viết, để chia sẻ với các bạn. Tất cả những thử thách và khó khăn trong đời đều có thể trở thành điều kỳ diệu nếu chúng ta biết nhìn nhận một cách lạc quan và coi nó như là một nấc thang để nâng ta bước cao hơn.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Cantauzene nói rằng: “Hãy can đảm mà sống vì ai cũng phải chết một lần. Đừng đi qua thời gian mà không để lại dấu vết. Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi”. Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều kỳ diệu, vì thế đừng sống đơn giản chỉ là tồn tại. Hãy sống để cảm nhận sự đẹp đẽ và kỳ diệu của cuộc đời để “khỏi thấy xót xa, tiếc nuối cho những ngày sống hoài, sống phí”.

Nguon:DKN.TV

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook