Những ký ức tuổi thơ!

Tôi đã sống ở thành phố này tám năm, tám năm rời ra xa nhà, tám năm đi đi về về cách nhau hơn mười giờ đi xe. Khoảng thời gian cách xa ấy, tôi hay hoài nhớ về ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ, các em tôi còn dễ thương, và những ngày bà tôi còn khỏe trong ngôi làng miền duyên hải.

Những buổi chiều nhuộm màu hồng nhạt ở phía Tây, tôi bỏ mấy thứ linh tinh vào balo, tắt nhanh cái màn hình trước mặt, văn phòng chẳng còn ai nó cũng trở nên yên tĩnh hơn bao giờ hết. Đây là khoảng thời gian tôi thích nhất khi làm việc, chẳng phải lo bàn chuyện với sếp, cũng chẳng cần tranh luận mấy cái hóa đơn, khách hàng giờ này chắc cũng chẳng ai hỏi han. Thường ngày tôi vẫn hay nán lại văn phòng muộn một chút mới về, để sắp xếp kế hoạch ngày mai, hoặc trả lời những cái mail cuối ngày, hay chỉ là yên tĩnh một chút.

Tôi hòa mình vào làn xe hối hả, chỉ cần vượt qua cây cầu Sài Gòn kia là tới phòng trọ. Chiều nay vẫn là buổi chiều như thường lệ, dòng người chẳng có vẻ thưa đi là mấy, tiếng còi xe đã bắt đầu inh ỏi. Tôi đã sống ở thành phố này tám năm, tám năm rời ra xa nhà, tám năm đi đi về về cách nhau hơn mười giờ đi xe. Khoảng thời gian cách xa ấy, tôi hay hoài nhớ về ngày xưa, ngày tôi còn nhỏ, các em tôi còn dễ thương, và những ngày bà tôi còn khỏe trong ngôi làng miền duyên hải. Theo tiếng vùng miền thì tôi không có gọi bà là ngoại, mà vẫn quen dùng “bà quại” hơn. Thằng em tôi khi mới học nói, nó toàn kêu là “bà ại”. Tính chất vùng miền nên giọng tôi cũng như vậy, phải sống thành phố lâu lắm mới nghe bớt phèn bớt chua một chút.






Bà tôi cũng sắp xỉ 80 tuổi rồi, những này còn nhỏ ba mẹ hay ra ngoài đi làm, nên tôi phải ở nhà cùng bà. Bà đi chợ nấu cơm, chiều ba mẹ tôi về thì ăn cơm bà nấu. Lớn hơn chút thì tôi tự nấu cơm, trông mấy đứa nhỏ và đi học. Bà tôi quanh năm chẳng đi đâu xa, bà chỉ quanh quẩn với các con, các cháu,

Ngày còn nhỏ, tôi chẳng nề hà đi bộ cùng bà xuống chợ từ khi còn tờ mờ sáng. Bà bán được bao nhiêu đồng tôi không còn nhớ, nhưng bà hay mua bánh, mua chè cho tôi ăn. Lúc về thì hai bà cháu đi xe lam, có khi được đi xe ngựa thồ, bây giờ muốn tìm loại phương tiện đó cũng hiếm. Con ngựa thồ chạy nhông nhông, người ta hay treo một cái chuông trên cổ nó, nên tiếng chuông lẫn vào tiếng chân của nó mỗi lần nó chạy nghe rất vui tai. Trên ngựa thồ thường có nhiều bà đi cùng về, mọi người hỏi han nhau đủ thứ chuyện, đường về nhờ vậy mà cũng gần hơn.

Buổi tối tôi hay ngủ với bà, những ngày trời nóng bà dùng chiếc quạt giấy quạt cho tôi đến khi tôi ngủ. Có đêm bà cũng nóng, nằm một lát chịu không nổi bà quay sang tôi: “Con với Quại ra giếng tắm cho mát rầu dô ngủ nghen!,  chẳng đợi bà, tôi bật dậy ngay, ra khỏi mùng đi mở cửa. Trời khuya ở quê không một ánh đèn, nhà ai cũng tắt điện hết nên ánh trăng lúc này sáng trưng, bóng tôi, bóng bà in đậm trên mặt đất, lần theo lối mòn bên hai hàng chuối gió làm mấy tàu lá chuối đung đưa không ngừng. Ra tới giếng, Bà kéo từng thùng nước, xối mỗi người vài ca nước, bà lẩm bẩm: “Mát chưa con?”, tôi trả lời chầm chậm: “Dô ngủ cho đã Quại”.

Quê tôi có mùa mưa bão vào khoảng tháng chín tháng mười, có năm đến tận cuối năm vẫn có bão. Tôi đi nhiều nơi nhưng chẳng có gió ở đâu ác liệt như quê nhà. Tới mùa bão, nằm trong nhà nghe tiếng gió quật cây tre cây chuối ngoài vườn mà lòng bất an. Không biết khi nào cây ngã đè lên mái nhà, rồi còn mấy con gà con buổi chiều Bà bắt vô nhà bếp nó kêu suốt đêm làm tôi chẳng ngủ được. “Lát gió to nữa, mấy đứa chạy xuống gầm bàn hết nhen”. Bà tôi dặn bọn tôi như vậy khi tiếng gió rít càng dữ dội hơn. Có lẽ bà mong đó là nơi an toàn nhất cho bọn tôi. Hết mùa mưa bão, thường kèm theo lũ lụt thêm mấy ngày. Bọn tôi được nghỉ học vì nước chắn hết cả đường đi, người lớn ai cũng lo lắng nước vô, trong khi bọn trẻ con đứa nào cũng hớn hở ra mặt.

Mùa lũ mẹ tôi mua trứng vịt, cá phơi khô, mỳ tôm về trữ để ăn uống qua mấy ngày không đi đâu được. Ngày mưa lũ thì ăn cái gì cũng thấy ngon lạ lùng. Chạy lăng xăng xem nước lớn tôi hay thấy Bà tôi đang đi tìm mấy con gà mẹ dẫn con trú mưa ở đâu chưa về. Rồi cả nhà tôi đi tìm đàn gà, vì sợ nước lên chúng nó lạnh rồi chết mất. Bà đem cái lồng gà vào nhà để chỗ cao, mùa lũ nhà tôi cả dồ đạc cho lên cao, cả người cả heo cả gà chỉ còn một vách ngăn trong căn nhà nhỏ. Khi nước vô nhà, đêm tôi ngủ trên giường với mấy đứa nhỏ mà chẳng yên, tôi hỏi má: “Quại đâu rồi Má?” – “Quại trên nhà ông Năm, dọn nhà con, chắc lát Quại xuống nhà cậu”.

Khi tôi lớn hơn một chút, tôi ít nói cười hơn, tôi cũng chẳng tâm sự với bà nhiều nữa. Bà hay dặn dò tôi, chỉ bảo tôi. Tôi cảm thấy tôi càng lớn, bà càng khó, cách bà thương con, thương cháu cũng giống với những người bà người mẹ làng quê nhỏ ngày xưa. Đến tận bây giờ tôi mới hiểu hết, đó là tình thương, sự hy sinh cả đời cho chúng tôi.

Ông ngoại tôi mất sớm khi mẹ tôi còn được bồng bế trên tay. Ngày đó bà dẫn cậu và mẹ tôi đi xe vô Sài Gòn nhận tro cốt ông. Bà ở vậy tới tận bây giờ nuôi con, giờ tới nuôi đàn cháu. Tôi sẽ không bao giờ biết được hết bà đã sống mạnh mẽ thế nào, cái thời định kiến cũ kỹ, cái nhìn hàng xóm của người mẹ không chồng nuôi con. Tôi cũng sẽ không được biết bà có mệt mỏi hay buồn tủi lúc đêm về hay không. Tôi chỉ thấy mỗi năm tôi về, nếp nhăn trên gương mặt bà nhiều hơn, lưng bà còng hơn và bước đi không còn nhanh nhẹn giống như ngày bà dẫn tôi đi bán trái nhàu, lá chuối hột.

Nhặt nhạnh vài ký ức tuổi thơ nó làm tôi cười ngây cả ngày, thật ra thì còn nhiều lắm những lần tôi bị đòn, những lần cười ra nước mắt. Giờ nghĩ lại tôi thấy mình đã may mắn biết nhường nào được lớn lên trong sự yêu thương dỗ dành của bà. Vài ngày nữa tôi sẽ có chuyến về thăm quê, về thăm ngôi nhà nhỏ có niềm hạnh phúc lớn đã theo tôi suốt ngần ấy năm.

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook