Ngày nay, chúng ta nghe rất nhiều đến trí tuệ cảm xúc (EQ), vai trò quan trọng của cảm xúc được đa phần mọi người quan tâm và trở thành yếu tố quan trọng không thể phủ nhận trong lối sống của mỗi chúng ta. Có rất nhiều cảm xúc mà một con người có thể trải nghiệm. Rất nhiều như vậy, làm thế nào chúng ta có thể nhận diện những “dòng nước hỗn loạn” của cảm xúc, mà không bị tràn đầy, mất kiểm soát? Trong khi thật khó để hiểu được tất cả cảm xúc khác nhau. Đặc biệt khi tâm trí chúng ta trong tình trạng căng thẳng, bị rơi vào phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn (fight or fly). Khi đó, các cảm xúc xuất hiện một cách mãnh liệt, tâm trí không thể duy trì sự tỉnh táo và khả năng kiểm soát nữa. Lúc đó, những gì chúng ta biết về cảm xúc của mình và phản ứng cảm xúc phù hợp đặt biệt hữu ích.
1. Trí tuệ cảm xúc là gì?
Cảm xúc là một trạng thái trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực có liên quan đến các vận hành của hệ thống thể lý và tâm lý tạo ra những thay đổi về sinh lý, hành vi và suy nghĩ của một người hoặc con vật. Từ đó, 2 nhà Tâm lý học Don Hockenbury và Sandra E. Hockenbury, mô tả cảm xúc được cấu thành bởi ba thành phần cấu tạo nên gồm:
- Trải nghiệm chủ quan
- Phản ứng sinh lý
- Phản ứng hành vi (biểu cảm)
Ngoài việc cố gắng xác định trí tuệ cảm xúc là gì, các nhà nghiên cứu cảm xúc cũng cố gắng xác định và phân loại các cảm xúc khác nhau. Các nghiên cứu tâm lý và hiểu biết về cảm xúc cũng đã thay đổi qua thời gian:
- Năm 1972, nhà tâm lý học Paul Eckman cho rằng có sáu cảm xúc cơ bản phổ biến khắp các nền văn hóa của con người: sợ hãi, ghê tởm, giận dữ, bất ngờ, hạnh phúc và buồn bã.
- Năm 1999, ông đã mở rộng danh sách này để bao gồm một số cảm xúc cơ bản khác, bao gồm bối rối, phấn khích, khinh miệt, xấu hổ, tự hào, hài lòng và vui chơi.
- Vào những năm 1980, Robert Plutchik đã giới thiệu một hệ thống phân loại cảm xúc khác được gọi là “bánh xe cảm xúc”. Các cảm xúc cơ bản được xây dựng trên các cập đối lập, và cường độ được thể hiện qua độ đậm nhạt của màu sắc. Mô hình này còn chứng minh cách các cảm xúc khác nhau có thể được kết hợp hoặc trộn lẫn với nhau, giống như cách một họa sĩ trộn các màu cơ bản để tạo ra các màu khác.
- Năm 2016, ông điều chỉnh và bổ sung lại lý thuyết của mình với tám cảm xúc chính làm nền tảng cho tất cả cảm xúc khác mà chúng ta có, và các cặp cảm xúc đối lập được diễn tả bao gồm:
- Buồn là đối nghịch với niềm vui.
- Niềm tin là trái ngược với sự ghê tởm.
- Sợ hãi là trái ngược với sự tức giận.
- Bất ngờ là trái ngược với kỳ vọng.
2. Nguồn gốc của cảm xúc
Câu hỏi về nguồn gốc của trí tuệ ảm xúc được cha đẻ của thuyết tiến hóa, Charles Darwin lý giải: Cảm xúc tiến hóa để cho phép con người và động vật sống thích nghi, sống sót và sinh sản. Tình yêu sự vui thú giúp con người tìm kiếm bạn tình và sinh sản. Sự sợ hãi buộc con người phải chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi kích thích mang lại nguy hiểm. Vì vậy, cảm xúc tồn tại giúp chúng ta thích nghi và sinh tồn. Cảm xúc thúc đẩy con người phản ứng kịp thời trước các kích thích ngoài môi trường, giúp nâng cao cơ hội sống sót.
Một lý giải khác của James – Lange cho rằng: Khi gặp một kích thích từ bên ngoài môi trường, dẫn đến một phản ứng sinh lý bên trong cơ thể. Lúc này, cảm xúc của bạn sẽ xuất hiện phụ thuộc vào cách bạn diễn giải những phản ứng sinh lý đó. Ví dụ, giả sử khi bạn đi trong khu rừng và nhìn thấy một con thú nguy hiểm. Bạn bắt đầu run rẩy, tim bạn bắt đầu đập nhanh. James – Lange cho rằng ở tình huống đó, bạn sẽ diễn giải những phản ứng sinh lý của mình và đưa ra kết luận rằng bạn đang sợ hãi (“Tôi đang run rẩy, vì vậy tôi sợ hãi”). Theo học thuyết này, bạn không run rẩy vì bạn sợ, thay vào đó, bạn cảm thấy sợ hãi vì mình đang run rẩy.
Việc đi tìm một nguồn gốc bản chất nhất của cảm xúc vẫn là nhiệm vụ các nhà khoa học đang theo đuổi. Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một kết luận chắc chắn, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, mỗi lý giải được đề xuất và sử dụng nó đều có ý nghĩa giúp chúng ta hiểu các góc nhìn khác nhau của cảm xúc.
Nguon:youmed.vn