KN ghi chép ngoài lớp học gắn bó chặt chẽ với KN đọc sách vì nếu đọc mà không ghi chép thì gần như các thông tin đã học sẽ dần biến mất khỏi trí não. Việc ghi chép giúp chúng ta nhớ lại thông tin tốt hơn. Trí óc sẽ lưu giữ tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. Bộ nhớ của con người hoàn thiện như một chiếc máy vi tính. Thủ thuật ghi chép nhanh không giúp SV nhớ được các sự kiện, mà việc này được thực hiện hoàn toàn tự động song nó giúp gọi ra các sự kiện đã được lưu giữ trong bộ nhớ. Hầu hết chúng ta đều nhớ rất tốt khi chúng ta ghi lại các sự kiện. Nếu không ghi chép và xem xét sự kiện thì con người chỉ có khả năng nhớ một phần rất nhỏ những gì nghe hoặc đọc được cách đó một ngày. Ghi chép hiệu quả sẽ tiết kiệm thời gian do người học có thể sắp xếp thông tin và nhớ lại chúng khi cần. Vậy SV nên ghi chép những gì? Cần ghi bao nhiêu, dưới hình thức nào? Nên ghi chép dưới dạng phác thảo truyền thống, dưới dạng bản tóm tắt hay ghi lại dưới dạng một loạt các lời phát biểu? Dạng nào giúp SV ghi chép tốt nhất?
Mục đích ghi chép cơ bản của SV là tóm tắt được những điểm quan trọng trong cuốn sách, báo cáo, bài giảng… Ghi chép hiệu quả sẽ giúp SV nhớ được chi tiết về những điểm quan trọng đó, hiểu được những khái niệm cơ bản và thấy được mối liên hệ giữa chúng. Nghiên cứu về cách bộ não lưu giữ và nhớ lại thông tin đã mở ra những phương pháp ghi chép giúp con người có khả năng tổ chức tốt hơn, tăng sự hiểu biết, nhớ lâu, và có sự hiểu biết sâu sắc hơn như sau.
Ghi chép nhanh mà vẫn đầy đủ ý: Ý là nội dung cốt lõi của tài liệu vì vậy cần kết hợp với suy nghĩ của bản thân để viết ý chính và diễn đạt bằng câu văn của mình, không cần thiết phải chép nguyên câu của tác giả. SV có thể lưu giữ và thể hiện nội dung cốt lõi của tài liệu thông qua một loạt các ký hiệu, biểu tượng, từ khóa, hình vẽ một cách nhanh nhất có thể…. Những ký hiệu này sẽ giúp SV nhớ được nội dung tài liệu và diễn đạt lại theo cách của mình. Để đảm bảo sự thống nhất và logic của các ý, chúng ta cần chú ý phải ghi được các từ bản lề (liên từ chỉ quan hệ nhân quả, đối lập, song song, thời gian…)… Cần chú ý nhấn mạnh với các từ “cho nên”, “vì vậy” và “chủ yếu”, “điều quan trọng”…
Ghi chép để dễ nhìn và nhớ: SV có thể ghi chép vào những quyển vở mà mình yêu thích, vì chắc rằng nó sẽ được cầm nhiều lần, cảm giác thích thú ban đầu sẽ gây hưng phấn cho người học.
Ghi trực tiếp trên sách: Khi cần thiết SV nên ghi trực tiếp lên đó, nếu khoảng trống không đủ có thể ghi vào một tờ giấy nhỏ dán lên nơi cần ghi chú. Nếu ghi kỹ, những nội dung này sẽ giúp SV tiết kiệm được thời gian vì không cần phải xem lại toàn bộ nội dung của trang sách, và khi đọc lại chúng ta biết chắc rằng nó sẽ gợi nhớ đến mục nào, phần nào trong bài.
Ghi thành dàn bài: Đọc kỹ nội dung của bài học, chia thành những phần chính, trong phần chính chia thành những mục nhỏ được sắp xếp theo một trật tự phù hợp, dễ nhớ, dễ liên tưởng. Ghi chép theo cách này đòi hỏi SV phải suy nghĩ theo lối phân tích, đây là yếu tố giúp SV dễ thuộc bài, dễ ôn tập và nhớ lâu.Có thể tổ chức việc ghi chép này thành các dạng sơ đồ, hình vẽ khác nhau cho hấp dẫn, kích thích thị giác, hiệu quả ghi nhớ sẽ tốt hơn.