Bãi Sao
Chạy ngược theo đường Nguyễn Văn Cừ về phía Bắc tầm 5 km sẽ thấy một tấm bảng chỉ đường vào Bãi Sao thì rẽ vào. Vào sâu bên trong thì bạn sẽ gặp con đường đất và rất nhiều ngã rẽ, nhưng đừng hoang mang, cứ đi về phía tay phải, rồi bạn sẽ gặp một nhà hàng có tên Làng Tôi, ở đây bạn có thể đậu xe ở đó, mua tí quà lưu niệm và tận hưởng Bãi Sao.
Ở đây có các dịch vụ thuê giường để nằm phơi nắng, tắm biển,… hoặc là cho thuê xích đu để đong đưa cùng với Bãi Sao trong chuyến đi Phú Quốc. Xích đu với giá thuê là 20.000 VND / lượt thì bạn có thể thoải mái tạo dáng từ ngồi “so deep” đến đánh đu cũng được.
Biển ở Bãi Sao trong vắt và cát rất mịn, ở đây có cho thuê xích đu để bạn có thể sống ảo một tí, nhưng để mộng mơ nhất chắc vẫn là buổi chiều khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Nhưng vào một buổi sáng sớm thì cũng là một thời điểm hay ho để ghé Bãi Sao.
Ở Bãi Sao có nhiều sao biển 9 cánh gần bờ nhé, có khi bạn bước mà không nhìn xuống dưới thì có khi sẽ dẫm phải một em đang ẩn mình dưới lớp cát mịn màng đấy. Màu sắc của loại sao biển này không nổi bật và có các gai cảm giác rằng chạm vào nó là sẽ tê buốt tay chân ngay.
Bãi Dăm – Chùa Hộ Quốc
Bãi Dăm là một bãi biển khá vắng nằm bên tay phải của đường dẫn vào Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc.
Từ đường rẽ vào Bãi Sao bạn chạy xe chừng 3 km thì tới một ngã ba bên tay phải là khách sạn Kinh Bắc, bạn rẽ vào con đường bê tông hai bên là hàng cây xanh mướt và đi hơi quanh co, đường này ít xe qua lại và khá vắng. Đi chừng 4 km nữa là bạn sẽ tới chùa Hộ Quốc.
Đứng ở đây bạn sẽ thấy biển Phú Quốc và gần nhất là Bãi Dăm hiện ra trước mắt thật trong vắt, chùa Hộ Quốc lưng tựa núi Đang Cưu, mặt nhìn về biển nên thơ và hữu tình. Chùa xây dựng theo kiến trúc thời nhà Lý và Trần.
Từ ngoài cổng bước vào trong chùa nhìn 2 bên đường vào là 18 vị la hán được khắc bằng đá, mỗi bên với 9 vị la Hán trông rất trang nghiêm. Tiếp đó hiện ra trước mắt bạn là 2 lối lên bằng cầu thang. Ở phía giữa là thảm trỗ khắc với các họa tiết rồng, hoa sen.
Khuôn viên chùa còn hai chuông đồng hai bên, với khung tháp làm từ gỗ và bạn sẽ choáng ngợp khi nhìn cận cảnh kích cỡ của một “thanh” gỗ.
Sau khi đã thăm thú chùa Hộ Quốc xong, men theo con đường cũ để về, hãy ghé Bãi Dăm một chút để cảm nhận khung cảnh bao la của biển cả cũng như sự hoang sơ và tĩnh lặng của nơi này. Bãi Dăm có lẽ là lựa chọn tốt nhất để ngắm bình minh ở Phú Quốc nếu bạn muốn tận hưởng không gian tĩnh lặng và không khí trong lành.
Cát biển khu vực này có màu vàng và rất mềm mại, xung quanh bãi biển là các rặng cây còn khá hoang sơ. Khi vừa bước chân qua rặng cây mình đã choáng ngợp vì màu xanh trong của biển Bãi Dăm. Bên cạnh đó những nét hoang sơ của nơi đây lại khiến nó đẹp hơn nữa.
Vườn tiêu
Lên xe và chạy ngược về An Thới, trên đường đi về, tôi đã ghé vào một vườn tiêu nhỏ nhưng khá đẹp của một người dân bên dọc đường về và được chụp hình thoải mái. Ở Phú Quốc còn rất nhiều vườn tiêu lớn như Khu Tượng, Ngọc Hà,… ở Dương Đông. Còn vườn tiêu tôi đang đứng là một vườn tiêu be bé dọc đường ở Dương Tơ.
Được mệnh danh là “Vương Quốc hồ tiêu”, Phú Quốc được xem là vườn tiêu lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hồ tiêu Phú Quốc được xem như là một đặc sản địa phương và là món quà rất độc đáo với du khách đến với Phú Quốc.
Bãi Đất Đỏ
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghe cái tên này lạ lắm. Bãi Đất Đỏ nằm ở phía Tây Nam của An Thới, gần với đường dẫn lên nhà ga Cáp treo Hòn Thơm. Từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ và đường tỉnh 975, đi về hướng Nam theo đường Nguyễn Văn Cừ khoảng 700 m bạn sẽ thấy một ngã ba có biển chỉ đường đến nhà ga cáp treo Hòn Thơm bên phải, đi khoảng 1.6 km thì gặp một ngã 3 và rẽ phải vào đường đất đỏ là bạn sẽ đến được Bãi Đất Đỏ.
Nắng chiều ở Bãi Đất Đỏ không gắt, nước biển buổi chiều không trong và có phần hơi đục nên muốn cảm nhận vẻ đẹp về màu biển Bãi Đất Đỏ hãy thử quay lại buổi sáng để cảm nhận rõ hơn về nơi này nhé.
Bãi Đất Đỏ có sóng biển khá to và gió thổi mạnh nên ở đây mọi người ít tắm biển. Nhưng ở đây có một điểm đặc biệt đó chính là điểm phơi cá của người dân An Thới. Nhưng tiếc là hôm mình ra thì chưa tới ngày người dân ở đây phơi cá nên chỉ còn khung trống với những tấm phên phơi cá còn sót lại.