Gió quá Bố ạ, và lạnh nữa?
Thời tiết se se lạnh, mưa, gió, bão… đã được đài dự báo trước từ đêm hôm qua. Thế nhưng, khi sáng nay cái se se lạnh ùa về, gió ùa về, bão ùa về và mưa cũng ùa về, làm lòng tôi lại dậy lên những cảm xúc não nề đến khó tả… Ngày đầu tiên, tôi không đi làm nữa, mà tự mình làm việc ở nhà…
***
ky-uc-thoang-qua
Chuông báo thức từ chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5(2016) quen thuộc lại vang lên lúc 4 giờ sáng, nhưng tôi không làm thế nào dậy nổi. Tôi cố gắng dậy tắt chuông rồi chui vào chăn ngủ tiếp. Mà có khi nằm co ro vì sáng ngủ dậy thấy chăn lăn lóc dưới sàn nhà. Và cũng giống như mọi khi, tôi chỉ ngủ tiếp được tới chừng khoảng gần 6 giờ sáng, mắt thao láo. Tôi không dậy đâu. Tôi cứ muốn nằm vậy giống như tuổi già người ta lười đi lại vì khó khăn ấy. Tôi còn trẻ, nhưng sự ươn lười này thì hay gặp ở tuổi già hoặc là những đứa mà trẻ tuổi không có ước mơ, hoài bãi. Tôi đã chẳng còn nhiều nhặn gì sức lực sau bao năm trời bôn ba, để nặn ra những ước mơ và hoài bão giống như tuổi trẻ hằng ước ao. Tuổi trẻ, có quá nhiều ước mơ và hoài bão nhưng không sao thực hiện nổi? Khi thêm vài tuổi nữa, người ta sống thực tế hơn thì phải, ít ước mơ hoài bão nhưng có ước mơ nào còn xót lại của tuổi trẻ mà thời gian chỉ làm nó trỗi dậy mạnh mẽ hơn mà thôi, thì người ta chỉ muốn thực hiện cho xong. Cứ như thể, thực hiện xong rồi thôi, cũng chấm dứt mọi ước mơ và hoài bãi mới.
Đúng là ở thời điểm hiện tại, tôi chỉ còn sót lại hai ba cái ước mơ. Nó hết sức nho nhỏ nhưng lại cũng cực kỳ to to. Với tuổi trẻ, thì nó nhỏ chắc có lẽ do dễ dàng thực hiện được. Với tuổi trẻ, nó to to vì nó khó khăn và chẳng hy vọng có thể thực hiện được. Và bây giờ đây cũng vậy?
Trong khoảng thời gian không dài mà cũng chẳng ngắn kể từ khi mắt vẫn chẳng buồn mở ra mà lão bộ đã thỏa sức bay xa, cùng tiếng chim ca, tiếng gió thổi chào ngày mới, tôi cố gắng hết sức để cảm nhận những âm thanh mà cuộc sống bộn bề đã cuốn bay đi tất cả. Rồi cứ khi nào mắt chẳng thể mở ra hay chả buồn dậy, tôi lại cố hết sức thuyết phục bản thân tôi rằng, “Thời gian qua đi sẽ không lấy lại được. Mình sẽ không sống lại được những giây phút đẹp đẽ như thế này. Hãy tỉnh dậy để cảm nhận đi. Nếu không, sau đó mình lại nuối tiếc”.
Quả có một sức mạnh phi thường, ý nghĩ đó đánh thức tôi dậy. Tôi rời khỏi giường, đánh răng, rửa mặt… Trước lúc vào nhà vệ sinh làm công việc vệ sinh cá nhân của buổi sáng, tôi luôn có thói quen bật máy tính trước, để sau đó khỏi mất công chờ khi xong việc (Điều này không phải do chăm, do thói quen khi bận rộn).
Tới đây, tôi thấy nhớ lớp khủng khiếp. Mặc dù tôi biết, tôi có thể tiếp tục đi dạy… Nhưng, tôi cần phải đi trên con đường của riêng tôi, con đường tôi chọn sau khi đã đi trọn vẹn con đường Bố chọn cho tôi. Mong ước lớn nhất đời của Bố tôi, luôn luôn ám ảnh tôi “Chỉ cần học lấy một cái nghề để có thể tự nuôi sống bản thân rồi lập gia đình”.
Nhưng, ước mơ tôi lớn hơn thế! Tôi muốn trở thành…
Tôi nghỉ việc, sau mùa báo cáo tài chính bận rộn thứ hai tôi trải qua mà nhiều người vẫn luôn cho rằng tôi chắc đã đi qua cả chục mùa báo cáo rồi cũng nên. Tôi nghỉ việc, vì tôi biết rằng, tôi không thể đi làm thuê mãi. Giờ đây, tôi đã có thể dùng kiến thức tôi có, để tự lo cho bản thân. Và, tôi có thể làm điều tôi muốn để trở thành con người tôi muốn trở thành…
Tôi vẫn dạy, tất nhiên là vậy rồi, theo cái cách riêng của tôi…
Tôi vẫn làm, tất nhiên là vậy rồi, nhưng theo cái cách của riêng tôi…
Tôi không thích bị áp đặt. Khi ai đó áp đặt, nhất định tôi sẽ tìm cách thoát ra…
Tôi ngồi viết lại quãng thời gian đã qua, chừng hai tiếng và khá thích thú khi được ngồi viết, dưới tiết trời dễ chịu, không bận rộn, trong buổi sáng êm ả trong lành nơi nội thành Thủ đô. Tôi cố viết cho thật nhanh. Tôi cần hoàn thành cuốn sách đó trước chuyến đi Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Chắc do đã quen với công việc luôn có thời hạn như báo cáo tài chính hay kê khai thuế, nộp hồ sơ chuyển đổi, giải thể, thành lập doanh nghiệp… nên tôi cũng tự ấn định cho mình một thời gian hoàn thành cuốn sách. Và nếu trường hợp không thể hoàn thành (vì tôi không thể dành trọn thời gian làm công việc đó), thì cùng lắm, tôi sẽ cố gắng viết xong, in ra, mang vào cho người con trai tôi sắp gặp… Cảm xúc trong tôi xáo trộn lắm! Tôi không biết nói gì với người con trai đó khi tôi gặp cả? Tôi không biết mình có tình cảm với người con trai đó hay không vì tối qua, tôi lại mơ thấy người con trai tôi từng yêu sâu nặng suốt hơn sáu năm trời… Người con trai đó, giờ đã có một cuộc sống yên ổn lắm rồi! Cầu trời, tôi sẽ có thể quên người con trai đó, vào một ngày nào đấy.
Tôi ngồi viết được chừng một tiếng là hơn bảy giờ sáng. Tôi nghỉ một chút. Rồi tôi lại viết chừng tiếng nữa, đến khoảng 8 giờ sáng thì ngừng hẳn công việc viết lách. Tôi còn hai bộ báo cáo tài chính cần hoàn thành. Tôi còn soạn giáo trình tự mình giảng dạy. Tôi chỉ là không đi làm, còn việc cần giải quyết cũng không ít. Tôi bảo sáng nay ra Phòng Đăng ký kinh doanh xử lý nốt bộ hồ sơ. Nhưng trời lại ập mưa xuống. Thế là tôi lại lấy bộ báo cáo cần sửa ra làm.
Tôi có một thói quen đối với công việc kế toán mà tôi không lấy làm thích thú cho lắm, chính là trước khi làm một công việc gì đó liên quan đến hóa đơn, như kê khai thuế, hay làm báo cáo tài chính, kiểu gì tôi cũng sẽ phải sắp xếp lại hóa đơn, theo cách của riêng tôi. Những tờ phiếu thu, chi, rách tươm hay biên bản bàn giao, tôi đều loại hết chúng ra khỏi tập hóa đơn đầu vào. Tôi chỉ dùng hóa đơn để hạch toán, định khoản, làm việc, kê khai… Những tờ giấy khác, thứ nhất làm cho tập hóa đơn giày hơn ra và thứ hai là làm cho chúng không đẹp dù tôi có cố gắng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp cỡ nào chăng nữa.
Đang ngồi sắp xếp đến quý hai, thì tiếng mưa cứ ùa vào căn phòng trọ nhỏ. Gió khiến cho những thớ thịt trên người tôi bắt đầu co lại, nhiệt hạ xuống. Tôi cảm nhận được cái lạnh luồn khắp cơ thể. Rồi giọt mưa rơi rả rích, tí tách lại khiến tôi nhớ về Bố. Tôi thường nhờ về ông mỗi khi trời mưa. Trước thì tôi hay hồi tưởng. Giờ tôi không hồi tưởng. Tôi còn hay nhớ về ông mỗi khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi hay lẩm bẩm hoặc suy nghĩ “Bố, hãy phù hộ cho con. Hãy cho con sức mạnh để vượt qua…”
Dạo gần đây, tôi ý thức được việc đó là không nên, nhất là sau vụ Chùa Ba Vàng. Vụ đó chẳng liên quan gì đến ý thức kêu gọi người Bố đã khuất hiện về ủng hộ tôi cả. Chỉ là, tôi muốn Bố được an nghỉ? Bố đã đi xa lâu lắm rồi! Bố hãy an nghỉ? Tôi chỉ có thể làm vậy được cho Bố thôi!
Tôi muốn về nhà, thắp nhang cho Bố…
Chị hàng xóm chỗ tôi ở, là một người theo chú Giê – Su. Những lúc cuồng lên, chị ấy hay bảo tôi rằng “Chúa bảo rồi, không được thờ cúng ma mãnh. Không được để ma mãnh nó điều khiển…”. Ở trong hội đức chúa trời Giê – Su, ai cũng thế!
Trước khi biết đến đạo phật, tôi đã từng đi nghe nhiều buổi về chúa Giê – Su. Ông bắt tôi từ bỏ nhiều thứ. Tôi không bỏ được! Tôi còn cuộc sống của tôi. Tôi không muốn mình làm người vô công rồi nghề, chạy hết chỗ này đến chỗ nọ để nghe những điều về chúa. Không ai lo cho tôi cả. Mà kể cả có lo, thì tôi cũng không sống kiểu đó. Tôi không muốn sống kiểu xin xỏ ai đó, như chúa Giê- Su chẳng hạn. Tôi muốn sống và làm việc bằng sức lực.
Rồi một sự tình cờ đưa tôi đến với những bài giảng của thầy Thích Tâm Nguyên. Từ đó tôi yêu thích phật pháp. Sau đó tôi đi học tu. Tôi yêu thích đức Phật với tấm lòng từ bi vô bờ bến. Thỉnh thoảng tôi so sánh: Chúa Giê Su chỉ ban phước cho những ai trung thành với ông. Còn đức Phật, luôn rộng lòng từ bị, ai cũng sẵn lòng yêu thương, giúp đỡ… Tôi yêu thích đức Phật trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong gia đình tôi. Không ai tán thành tình yêu đó của tôi. Nhưng cũng không quan trọng!
Nếu còn sống, Bố tôi sẽ nghĩ gì về điều này?
Khi còn sống, Bố tôi, cứ mỗi lần cãi nhau với Mẹ tôi, ông đều ném đồ đạc, khi thì bát đũa, lúc thì ấm chén. Bức quá, ông còn ném cả đồ trên bàn thờ. Tôi không nhớ ông có ném bát hương không? Nhưng chắc là không?
Cứ mỗi lần chị hàng xóm bảo như vậy, tôi lại thầm nghĩ rằng: “Thờ cúng tổ tiên là nhớ về người đã khuất”. Người đi rồi, nhưng thời gian thì còn đó? Làm sao chúng ta có thể chối bỏ, người đã từng gắn bó với ta một thời? Người thân thiết, sinh thành ra ta, nuôi nấng ta, chăm sóc ta, bảo vệ ta, che chở ta…
Thật may, vì tôi là người còn có ký ức và có trí nhớ tàm tạm để nhớ về miền ký ức của riêng mình. Cho dù ký ức đó có đau buồn, có không vui, có bất hạnh, thì khi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, vì mình có thể nhớ. Vì những gì qua đi không lấy lại được. Nhưng, ký ức và trí nhớ sẽ giúp ta sống lại, một phần trong quãng thời gian đó.
Thật may, vì cứ mỗi lần nhớ ông, lục lại ký ức, tôi đều thấy nó hiện ra. Nó tìm về, một thoáng, rồi lại rời xa…
Bên ngoài mưa vẫn rơi rả rích. Tiếng chó sủa ăng ẳng vang lên. Tiếng chim thánh thót ca. Con đường có vẻ thưa vắng vì chẳng có tiếng xe…
Ở nhà! Bây giờ Mẹ đang làm gì nhỉ?