Lá thư trong tuần: Bụi lòng (Ny)
Trên con đường người ta đang làm dở, xe cộ đi lại đông nghịt, giờ cao điểm đôi khi còn chẳng thấy người vì khói bụi. Ấy thế mà bên vệ đường, vẫn có một ông cụ trên tám mươi ngồi úp mặt xuống trên cánh tay phải chỉ để “xin ăn’.
Nói là xin ăn nhưng thực ra ai cho gì thì lấy đó, có khi là mấy đồng tiền lẻ, ổ bánh mỳ không, cái bánh bao…Tôi chẳng biết cụ ngồi đó từ bao lâu rồi, tôi chỉ biết khi tôi đi làm qua đó đã thấy cụ ngồi đó rất lâu rồi, nghe mấy bà hàng nước quanh đó bảo cụ ngồi “ăn xin’ ở chỗ đó cũng vài năm nay rồi. Sáng sớm khoảng tầm hơn sáu giờ sáng cụ đã ra ngồi chẳng quản trời lạnh hay trời nắng, có hôm trời mưa cụ vẫn vẫn mặc cái áo mưa mỏng rồi lại ra ngồi đấy . Nghe đến đó lòng tôi như thắt lại, tim tôi như ai bóp nghẹt.
Cụ ngồi trên một mô đất cao người ta đắp lên để ngăn nước, con đường trước mặt cụ toàn là khói bụi của xe cộ. Người cụ gầy gò lúc nào cũng đội một chiếc mũ len đã tuột vài sợi chỉ sờn cũ kỹ, trước mặt cụ là chiếc nón lá rách vành. Cụ ngồi đấy , mặt cúi gằm xuống úp vào cánh tay còn lại đang giữ khư khư chiế nón rách kia, chẳng biết là vì cụ mệt hay vì khói bụi mà cụ phải cúi mặt xuống như thế.
Giữa khói bụi mù mịt, cụ vẫn ngồi đấy, miệng cụ lúc nào cũng lẩm bẩm câu nói “làm ơn cho tôi ít đồng lẻ”, khuôn mặt vẫn cúi gầm với đầy vẻ mệt mỏi…Tôi nghe người ta bảo nghèo thế thôi nhưng cụ lành lắm, có lần ngồi cả ngày được có hơn chục ngàn tiền lẻ nhưng thấy thằng bé tàn tật bán vé số đi qua, cụ cũng chẳng ngần ngại mua giúp nó tờ vé số. Có phải sống trong cùng cảnh nghèo người ta mới thấy cần phải yêu thương nhau nhiều hơn không?
Nếu như tôi không đi qua đoạn đường này liệu tôi có bao giờ biết đến cụ và nghĩ về một tương lai mù mịt để cố gắng cho một ngày mai. Trên khuôn mặt gầy hốc hác đôi khi lại ngước lên nhìn người qua đường rồi lại nhìn xuống chiếc nón lá rách khuôn mặt ông cụ lại thêm phần sầu não. Người đi đường mỗi lúc một đông hơn, họ chẳng có ai để ý đến ông cụ bên vệ đường trong chiếc áo len màu xanh dương đã đổi màu, ai cũng vội vã vội vã để chẳng thể nhận ra một con người nữa đang lầm lũi trong màn khói bụi.
Lâu lâu lại có vài người từ quán ăn bước ra, họ ăn mặc những bộ quần áo đắt tiền, họ để lại những đồng tiền lẻ gửi xe thừa vào chiếc nón trước mặt ông cụ. Khuôn mặt già nua héo úa vui mừng, vội ngước lên nhìn người vừa đặt vào trong chiếc nón của mình vài đồng tiền lẻ rồi lẩm bẩm gì đó hình như là cảm ơn thì phải. Đối với người này đó có thể là những đồng tiền lẻ nhưng đối với người kia là sự hi vọng, là tất cả.
Những cơn gió lạnh mùa đông như táp thẳng vào mặt tôi đến lạnh toát ấy thế mà ông cụ vẫn ngồi co ro trên mô đất cao trong chiếc áo len cũ, nhìn hình ảnh đó ám ảnh tôi mỗi lần đi qua.
Cuộc sống này còn nhiều nghèo khó, kém may mắn vậy mà tôi, bạn cứ than vãn, chê trách ông trời đã không công bằng và không biết trân trọng chính bản thân mình.
Ngày mai, nghe đài báo gió mùa đông bắc về, một tiếng thở dài khe khẽ tôi chợt nghĩ “ngày mai cụ còn ngồi đấy không?”.
Hà Nội những ngày trở đông ta chênh vênh giữa đôi bờ nỗi nhớ… (Lệ Đào)
Hà Nội, những đêm đông hơi lạnh. Cũng đã rất lâu rồi, rất rất lâu rồi tôi không viết về một Hà Nội đầy nắng, đầy gió, đầy những hơi thở: cổ kính, bình dị. Tôi bon chen giữa cuộc sống bộn bề, lo việc học, việc làm thêm, và vô số những việc nhỏ nhặt giữa Hà Nội đông người. Hà Nội những ngày trở đông, cơn gió đìu hiu không khác nào lời ru dìu dặt nỗi nhớ, đêm đen và những kỷ niệm, yên bình. Những hàng cây và góc phố, một hình ảnh của người- ta gọi là người tình và gió là ta.
Cũng đi qua bao thăng trầm trong cuộc sống, vui có buồn có. Ta biết ta vẫn còn nguyên vẹn những thứ thuộc về người, về những phút giây người bước qua cuộc đời ta và gieo vào đấy không ít buồn, ít thương. Nỗi nhớ người ta giấu nơi vùng trời của những ngày xưa ấy, những con đường quen thuộc, những hàng cây ven đường, không gian tĩnh lặng , những cảm xúc một thời từng làm trái tim ta xao xuyến, rồi đạp nát nó tan tành.
Cũng đã từng đau, dằn vặt trái tim trong quá khứ về mình và người. Có lẽ ta ngờ nghệch, có lẽ ta ngốc nghếch. Nhưng ta trân trọng và thầm cảm ơn sự xuất hiện của người- đã đi ngang đời ta. Người cho ta biết thế nào là yêu, là được yêu, là cho đi và không cần nhận lại,… Rồi người để ta đau và vượt qua nỗi đau như một kỳ tích, để ta biết yêu thêm những gì của hiện tại, chân thành.
Ta đã từng gói ghém bản thân giữa Hà Nội đông người, trốn vào một hàng cây nghe gió chơi trò đuổi bắt, vờ như quên tất cả nhưng lại nhớ hết, vờ thôi không yêu nhưng lại thương rất nhiều. Ta quấn mình trong bàn tay lạnh lẽo, không dám siết mạnh, không dám thở dài. Ta sợ hình ảnh người ta biến giữa hư không.
Có khi thi thoảng, bắt gặp một cơn gió khẽ thoáng qua, ta bỗng lại nhớ nhung cồn cào, bàn tay lớn ấy khẽ bao bọc tay ta, khiến ta trào nước mắt. Nỗi nhớ, có khi nhẹ nhàng, mông lung kỳ ảo không nắm bắt. Có khi lại thổn thức nhẹ xoáy bên trong những kỷ niệm ngủ quên hàng dài. Đêm, vạn vật chìm trong bóng tối, ta hòa mình làm một con đom đóm nhỏ,du đãng trong đêm tìm kiếm, rồi để gió đưa xa, nghe gió tạt vào , thổi tan cái khoảnh khắc cô đơn đến não lòng.
Thời gian trôi qua, có những người bước ngang đời ta, cũng có những người vào đời ta rồi lẳng lặng ra đi, để lại một vài dấu chấm trong miền ký ức, để cho ta khi đêm nhớ về. Ta lại trải mình với cơn gió chơi vơi.
Ai chẳng muốn một tình yêu nguyên lành, nhưng có giấc mơ nào là viên mãn, chỉ thế thôi…
Hà Nội, chỉ còn những mùa nhớ…