Đừng để nỗi buồn xâm chiếm cảm xúc của bạn. Hãy kiểm soát những muộn phiền

Phiền muộn là điều hết sức tự nhiên và hầu hết mọi người đều khó tránh khỏi những giây phút “bầu bạn” cùng nó. Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách kiểm soát nó, bạn sẽ phải trả giá đắt – đó có thể là tổn hại vật chất, suy sụp tinh thần hoặc cả hai.


Đã nhiều người phải tiêu tán sự nghiệp chỉ vì những “nỗi buồn vẩn vẩn vơ vơ” ấy. Nhưng bạn cũng đừng vội mong rằng mình đừng bao giờ phiền muộn nhé: Một cuộc đời chỉ toàn nhung lụa, chỉ toàn chìm ngập trong ban mai rực rỡ thì liệu đã chắc thật sự là cuộc đời hạnh phúc?! Hay phải chăng chỉ là sự nhàm chán đến kinh người!

Thật vậy, Hạnh phúc và Phiền muộn là một trong những mệnh đề có quan hệ “bà con” với nhau đó bạn, chỉ cần bạn biết cách kiểm soát một anh thì anh kia tất sẽ tươi cười chào đón bạn thôi.

1. Năng hoạt động. Mỗi khi bạn cảm thấy buồn chán vì một điều gì đó, hãy cầm lấy cây vợt hoặc ôm trái banh ra sân thể thao và hòa mình cùng “những con người vô lo” đang vui đùa ở đấy; hoặc hãy ngồi vào đàn và ngân nga những bài hát yêu thích của mình. Khi một điều gì khiến bạn buồn rầu đó cũng là lúc nguồn năng lượng tiêu cực đang được giải phóng trong não bạn, nó sẽ ngay tức khắc xâm chiếm toàn cơ thể bạn, khiến bạn trở nên lừ đừ, mệt mỏi, không còn chút sinh khí nào để tiếp tục các hoạt động làm việc, sinh sống hằng ngày.

Nguy hiểm hơn, nó bóp chết ngay anh bạn Hy vọng mà mỗi người chúng ta luôn cần song hành ở chốn trần gian đầy “bụi bặm” này. Ngoài ra, nó còn làm suy kiệt sức đề kháng của cơ thể, “lót ổ” khá tốt cho đủ thứ bệnh có tên lẫn… chưa kịp đặt tên. Như vậy, chỉ khi bạn tiến hành các hoạt động thể chất yêu thích bạn mới có thể làm tiêu hao nguồn năng lượng tiêu cực thừa ấy trong tâm trí, và nhớ là hoạt động hăng say hơn ngày thường bạn nhé, đừng chỉ làm cho có lệ sẽ lại càng chán hơn, cả với bạn lẫn những người xung quanh.

2. Đi tản bộ. Một cách khác nếu bạn muốn tiêu hao năng lượng tiêu cực ấy mà không sẵn những điều kiện cho các hoạt động thể chất như kể trên: đi tản bộ. Bạn cứ thả mình đi loanh quanh không mục đích, từ khu vực bạn đang sinh sống đến những vùng phụ cận gần đó… Những cảnh vật và con người mang cả màu sắc “sáng” lẫn “tối” sẽ là liều thuốc tốt giúp bạn quên đi nỗi buồn của bản thân để hòa cùng niềm vui với họ, để thấy rằng mình cần có trách nhiệm hơn khi thật ra vẫn còn không ít người bất hạnh hơn rất nhiều, nhưng chẳng phải họ vẫn không ngừng tranh đấu để vươn lên đó sao!

3. Tâm sự cùng bạn thân. Ngạn ngữ phương Tây có câu rất hay: “Một người bạn thật sự là người bạn khi cần luôn có mặt”, vậy bạn có bao giờ tự hỏi mình có bạn để làm gì? Tại sao bạn không gọi cho họ, hay rủ họ cùng đi đâu đó với bạn, và qua đó tâm sự cùng họ những chất chứa trong lòng?

Chắc chắn bạn (và cả người bạn thân ấy) sẽ khám phá được nhiều điều lý thú từ nhau qua cuộc chuyện trò đầy gợi mở này. Và chắc chắn bạn cũng nhẹ người đi ít nhiều khi gánh nặng của bản thân đã có người tình nguyện nhấc đi phân nửa (mà đôi khi lên đến 80%!), phải không bạn!

4. Viết hoặc vẽ “bậy”. Lấy giấy bút ra và bạn có thể xả stress được rồi đó. Bạn không cần là nhà văn để sáng tạo những ý tưởng cao siêu, bạn không cần là một thi sỹ để tuôn ra từ ngòi bút những dòng thơ tinh tế, mang đầy lẽ huyền vi của trời và đất, bạn cũng chẳng cần là một họa sư trác tuyệt để góp cho đời những bức họa mà cả trăm năm sau vẫn được người đời trầm trồ tán thưởng (hoặc bàn cãi), đơn giản hãy viết ra tất cả những gì đang chất chứa trong lòng bạn – ước mơ, hoài bão hay hận thù, nhỏ nhen; ngoan hiền hay nổi loạn…, hãy cứ mặc sức để nó tuôn ra, hãy cứ mặc sức nguệch ngoạc “những tranh trừu tượng” kiểu “rồng của Trạng Quỳnh” ngày nào chẳng hạn.

Hả hê và nhẹ người là cảm giác bạn sẽ có được khi hoàn tất các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, xin lưu ý nhỏ là bạn nên hủy ngay những “kiệt tác” ấy nếu không muốn lâm vào tình trạng “mới vui đó rồi lại buồn ngay”!

5. Khơi nguồn sáng tạo mới. Đừng bao giờ nghĩ rằng bất cứ những giây phút phiền muộn nào cũng là bỏ đi. Chẳng phải những kiệt tác lớn về văn chương thi phú, hội họa và điêu khắc và nhiều khi cả các công trình khoa học nữa vẫn thường được “thai nghén” và “chào đời” trong những “nỗi buồn nhân thế” triền miên sao bạn?

Vậy hãy vững tin rằng bạn sẽ có những đóng góp lớn cho đời sau khi cơn buồn chán của bản thân trôi qua nhé. Tuy vậy, đây không phải là ý tốt để vin vào đối với các “môn đệ trung thành của Lưu Linh” khi cho rằng bên chai rượu cùng “nỗi buồn”, ta sẽ… cho đời biết mình là ai!

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook