Chú ý đến ngữ pháp. Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của ngôn ngữ bên cạnh từ vựng. Chẳng hạn như câu “Paul want Mary go store” có thể diễn đạt được nội dung, nhưng hoàn toàn không đúng trong tiếng Anh. Nếu không chú ý đến ngữ pháp, những câu bạn nói ra sẽ khó hiểu.
- Xem xét về cấu trúc của ngôn ngữ và cách sử dụng giống (giống đực, giống cái, giống trung). Việc nắm được cấu trúc của ngôn ngữ sẽ giúp bạn hiểu được cách thức các từ ngữ kết hợp với nhau như thế nào khi bắt đầu học từ vựng.
- Đảm bảo biết cách diễn đạt câu hỏi, câu khẳng định và câu phủ định ở thì quá khứ, hiện tại và tương lai khi sử dụng 20 động từ quy tắc và bất quy tắc thông dụng nhất.
Học thuộc lòng 30 từ và cụm từ mỗi ngày. Như vậy, trong vòng 90 ngày bạn sẽ thuộc được khoảng 80% ngôn ngữ đó. Bắt đầu với những từ thông dụng nhất. Học thuộc lòng là một phần quan trọng trong việc học ngoại ngữ, và có nhiều cách học.
- Bạn có thể luyện tập viết mỗi từ hàng chục lần. Cách này sẽ giúp bạn quen với việc sử dụng từ đó.
- Dùng từ mới trong các câu khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn luyện tập với các từ và dễ nhớ từ hơn khi cần sử dụng.
- Đừng quên tiếp tục thực hành các từ vựng khi bạn chuyển sang học thuộc các từ khác. Nếu không tập luyện, bạn sẽ quên những từ đã học.
Học bảng chữ cái. Đặc biệt là khi học một ngoại ngữ có hệ thống chữ viết khác lạ, bạn sẽ phải biết mặt các chữ cái và cách viết của nó.
- Thử liên tưởng hình ảnh và âm thanh của từng chữ cái, từ đó bộ não sẽ tạo ra đường đi dễ dàng để nhớ các chữ cái và âm thanh kèm theo nó. Ví dụ: Trong tiếng Thái, chữ “า” được phát âm là “ah.” Nếu là nam, bạn có thể tưởng tượng chữ này như dòng chảy khi bạn đi tiểu vào gốc cây và kèm theo đó là tiếng thở ra nhẹ nhõm khi bạn vừa “trút bầu tâm sự”. Sự liên tưởng có thể đơn giản hoặc ngớ ngẩn thế nào là tùy bạn, miễn là nó giúp bạn ghi nhớ.[3]
- Bạn cũng có thể phải làm quen với cách đọc từ phải sang trái hoặc từ trên xuống dưới. Hãy bắt đầu với những thứ đơn giản và dần dần tiến tới những tài liệu khó hơn như sách hoặc báo.