Bỏ qua câu chuyện tôi đã biết đến máy tính và công việc lập trình như thế nào. Vì đó có lẽ là câu chuyện của riêng tôi. Nhưng có một câu chuyện chắc không hẳn chỉ mình tôi gặp phải. Đó là câu chuyện khi chúng ta bắt đầu sự “quyết tâm” làm một việc gì đó.
Tôi nhiều lần thể hiện quyết tâm tiếp tục sự học lập trình của mình, điên cuồng lao vào đăng ký các khóa học trực tuyến, subcribe bất cứ website nào tôi ghé qua đẻ đọc tài liệu, tiện tay like đến hàng trăm fanpage và follow bất cứ tài khoản twitter nào tôi nhìn thấy được liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Hòm thư của tôi đầy ắp email đến từ các trang công nghệ và trang học liệu.
Trong những ngày đầu tiên, tôi cảm thấy mình thực sự là một con người khác, tràn đầy hứng khởi và tự tin khi mới viết được những dòng code HelloWorld đầu tiên, những kiến thức về lập trình như một liều cafein cực mạnh kích thích tôi cao độ.
Tôi giữ được tâm thế đó trong khoảng hai tuần đầu tiên. Có những khoảng thời gian buổi tối sau khi trở về từ công việc chính, học và nghiên cứu một cách nghiêm túc và chăm chỉ với hy vọng một ngày nào đó tôi có thể tự tin rời bở công việc hiện tại. Ngày nào cũng ngồi trước màn hình máy tính đến quá nửa đêm, chìm đắm trong thế giới riêng tôi tự tạo cho mình.
Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những bài học vỡ lỏng đó, sau một tháng, Cơ thể bắt đầu như hết tác dụng của chất kích thích. Những ly cà phê đêm không thể giữ đầu óc tôi được tỉnh táo nũa. Việc thức dậy đi làm sớm hôm sau thực sự trở thành một cơn ác mộng. Không thể có một bộ não thông thái bên trong một cơ thể rệu rã. Tôi mệt mỏi và nghĩ mình cần nghỉ ngơi một thời gian, một thời gian “ngắn” thôi. Rồi lại tiếp tục.
Một “thời gian ngắn” trôi qua, đến tận sáu tháng hoặc cả năm sau. Biết đâu rằng quãng thời gian đó tôi đã đánh mất động lực cũng như quyết tâm mà rất khó để có một cơ hội tìm lại một lần nữa. Để bắt đầu làm một việc gì đó nghiêm túc đối với tôi đã khó, việc duy trì nó một thời gian dài lại càng khó hơn.
Thời gian nếu biết dùng thì là một vũ khí rất lợi hại nhưng nếu không biết dùng thì chính nó lại trở thành một con dao sắc cứa vào cuộc đời bạn.
Vòng lặp đó cứ đeo bám tôi trong một quãng thời gian dài, trước khi tôi thực sự thay đổi cách tiếp cận của mình và coi đó mới thực sự là cơ hội mới. Nếu cơ hội tốt nhất của bạn qua đi, thì cơ hội tốt thứ hai cũng là một lựa chọn không tồi.
Để tránh đi vào vết xe đổ một lần nữa. Tôi liệt kê một số điều sau, hy vọng nó sẽ giúp ích cho mình và có thể cho bạn nữa:
Giữ một mục tiêu “cụ thể” và “duy nhất” trong tâm trí
Không giống như những thất bại trước, tuy cũng có mục tiêu nhưng thực sự nó không được cụ thể và duy nhất cho lắm. Việc có nhiều mục tiêu không rõ ràng khiến những lúc bạn mất phương hướng lại càng hoảng loạn thêm. Vì thế việc đặt ra một mục tiêu duy nhất và rõ ràng trong khoảng thời gian ngắn theo tôi phân tích là một việc hiệu quả. Mục tiêu của tôi là có công việc của một developer toàn thời gian trong vòng một năm tới. Nghe có vẻ “có gì đâu mà phải nói” nhưng đối với tôi là những lần đánh đổi khá nhiều khi đặt ra quá nhiều mục tiêu một lúc. Giờ đây mọi chuyện có lẽ đơn giản và dễ dàng hơn khi tôi chỉ có một việc phải hoàn thành. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, tôi chỉ có một việc phải hoàn thành và dành 100% hoạt động của mình phục vụ công việc đó.
Không chỉ bắt đầu ở việc giữ trong tâm trí mục tiêu của mình, ta cần commit nó rồi push lên đâu đó dễ nhìn, dễ tiếp cận. Để biết điều gì là quan trọng khi đột nhiên bạn có tư tưởng muốn làm một việc gì đó vô thưởng vô phạt làm mình xao nhãng khỏi mục tiêu, tạo động lực cho những hành động kế tiếp.
Hãy thực dụng và thực tế với mục tiêu của mình
Việc duy trì được động lực là rất quan trọng trong giai đoạn học tập. Về cơ bản về duy trì động lực là ta luôn giữ mình không quá nản lòng đến mức bỏ cuộc. Để tránh xa tâm lý chán nản, ta cần một cái gì đó thực tế. Nếu bạn đặt mục tiêu thành thạo JavaScript sau 4 tuần hay thậm chí 24h như trong tiêu đề của một vài cuốn sách nào đó, mục tiêu đó có thể là một cái bẫy giết chết động lực của bạn. Khi thực tế không như kỳ vọng.
Cũng có khả năng mục tiêu làm nghề từ con số KHÔNG sau khi tham gia khóa học vài tháng là khả thi. Nhưng đối với tôi là khó. Về cá nhân mà nói tôi nghĩ mình phải mất ít nhất một hoặc một năm rưỡi mới có thể nắm cơ bản được một công nghệ nào đó để có thể tự tin đi làm. Tất nhiên việc thực tế đến mức độ nào tùy thuộc vào bản thân của mỗi người, một người quyết định dành toàn thời gian để học khác với một người có một công việc bán thời gian để vừa học vừa duy trì cuộc sống; một học sinh vừa tốt nghiệp trung học luôn có những hoạt động khác dễ làm xao lãng mục tiêu hơn việc một anh chàng tam thập nhưng nhi chưa lập, chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nắm lấy cơ hội thứ hai cho bản thân.
Vì vậy hãy thực dụng và thực tế với chính mình để có được mục tiêu giúp mình có động lực vượt qua khó khăn chứ không phải là mục tiêu sẽ dẫn mình tới cái bẫy.
Vận dụng tốt bốn chữ: “Dục tốc bất đạt”
Sai lầm dễ nhận ra đối với tôi là thường tăng tốc trước khi khởi động, để rồi khi gặp chướng ngại vật lại không đủ năng lượng để về đích.
Trong những ngày đầu tiên học lập trình tôi lao vào đọc và thực hành như con thiêu thân, bất kể thời gian, làm bạn với bò húc và thuốc lá. Lùng sục thông tin một cách mù quáng, tôi muốn tiến tới phía trước với tốc độ thật nhanh để có thể đạt được mục tiêu của mình. Một cách tiếp cận rất sai lầm, tôi thường đổ gục sau một thời gian vì không chịu nổi áp lực tự đặt ra bởi mục tiêu không thực tế của mình. Việc đánh giá sai khả năng và mục tiêu như kiểu một chú ngựa non háu đá khiến tôi ăn đòn khá nhiều. “Quá nhanh” bao giờ cũng đi liền với “quá nguy hiểm”.
Thay vì đó lần này tôi quyết định phải giữ đầu óc tỉnh táo và điềm đạm. Mặc dù khá thích chạy bộ đường dài, nhưng tôi lại không giỏi áp dụng vào cuộc sống những kỹ năng của một vận động viên Marathon: “GIỮ TỐC ĐỘ” và “BỀN BỈ”. Tôi cố gắng sẽ là người về được đến đích, chứ không phải là người chạy nhanh nhất. Tôi để ý nhiều hơn đến việc cân bằng cuộc sống. Duy trì thói quen ngồi học đều đặn 4 tiếng buổi sáng, 4 tiếng buổi chiều và 4 tiếng buổi tối. Đến giờ ăn là ăn, ngủ là ngủ, không quá ham mê hoặc đặc biệt là thức đêm.
Hy vọng với cách tiếp cận mới, tôi sẽ không fail thêm lần nữa.
Rèn luyện ý chí
Tôi bắt đầu việc rèn luyện ý chí của mình bằng việc dừng hút thuốc. Đó là một thử thách thực sự đối với tôi, khi đã quen với một việc gì đó lặp đi lặp lại ít nhất 3 tiếng một lần mỗi ngày trong một thập kỷ, tại sao tôi lựa chọn giai đoạn này để cùng làm những việc khó khăn như vậy. Vì tôi biết việc vượt qua được cám dỗ sẽ khiến mình mạnh mẽ hơn, và khi mạnh mẽ hơn thì việc đạt được mục tiêu sẽ đơn giản hơn một ít. Và tôi đang cảm thấy mình mạnh mẽ và cân bẳng hơn từng ngày khi đối mặt với thử thách, học được cách tận hưởng cảm giác khổ sở, vật vã để rồi khi nhìn lại mình đã có một thành công trước mắt làm động lực bỏ túi rồi.
Có thể trong khoảng thời gian nào đó, việc ngồi xuống máy tính bắt đầu đọc tài liệu và code trở nên khó khăn, nhàm chán, nếu đã được rèn luyện ý chí, bạn sẽ có đủ tính táo để nhận ra rằng điều gì là quan trọng, cách tận hưởng và tìm ra niềm vui trước những khó khăn nhất thời. Việc loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong những khoảnh khắc nhất định sẽ giúp ta tỉnh táo tiếp thêm động lực thực hiện được mục tiêu của mình
Chỉ nhìn vào những điều cần nhìn
Một tay mơ mới chuyển nghề, với tư cách của thợ học việc, không việc gì phải cảm thấy hổ thẹn trước những thợ lành nghề, bi quan vì cảm thấy mình nhỏ bé trước kho tàng kiến thức đồ sộ, chán nản trước những list dài skillset cần phải trang bị.
Hãy coi đó là những thử thách, những điều mình sẽ được khám phá trong quá trình luyện skill lên level.
Ngưng so sánh bản thân mình với bạn học, với các đồng nghiệp tương lai, đong đếm kiến thức của mình hàng ngày. Thay vào đó hãy so sánh với chính bản thân mình của ngày hôm qua, xem ta đã làm được gì, tiến bộ hơn ở kỹ năng nào, cho thêm được gì vào balo kiến thức của mình.
Luôn tò mò và không ngại đặt câu hỏi
Một trong những cách tốt để giữ động lực là luôn tò mò về mọi thứ. Và nó cũng là một tính cách không thể thiếu của một lập trình viên nói riêng và dân kỹ thuật nói chung. Khao khát tìm hiểu xem mọi thứ vận hành như thế nào? Điều gì đang diễn ra vậy?
Bên cạnh đó việc tập trung vào một chủ đề trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhàm chán và mệt mỏi. Thỉnh thoảng hãy đổi hướng một chút bằng cách khơi dậy trí tò mò và khả năng đặt câu hỏi về những chủ đề liên quan đến nghành nghề của mình.
Ví dụ như nếu đã tập trung vào tìm hiểu và thực hành JavaScript trong một khoảng thời gian dài, hãy thay đổi không khí với những khái niệm và kiến thức về hệ thống, thay vì tiếp tục code, ta giải trí bằng cách tìm hiểu cách setup một máy chủ ảo, tìm hiểu về shell, ssh, https, up những tài liệu đầu tiên và bắt đầu vọc vạch hệ thống đó trước khi quay lại với nhiệm vụ chính hằng ngày. Mỗi ngày tôi sẽ dành ra khoảng 2 tiếng để giải trí theo cách như vậy.
Trước mắt là một quãng đường dài, mỗi ngày mới là một thử thách đòi hỏi tôi phải giữ được niềm tin và cảm hứng. Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách bản thân mình đang tạo và duy trì động lực. Nó đã tạo hiệu quả trong hai tháng đầu của quá trình học tập của tôi. Theo thời gian hy vọng tôi sẽ tìm và rèn luyện được nhiều skill hơn, giúp mình về đích được trong giai đoạn học việc và tồn tại được với nghề 🙂
2 comments On Câu chuyện có thể của bất kì ai!
Bài viết rất hay. Góp ý với tác giả là hãy nhìn bản thân mình như một lập trình viên, và việc hàng ngày của lập trình viên là code và tìm hiểu công nghệ, nó như là việc ăn uống hàng ngày của con người vậy. Mong tác giả có nhiều bài chia sẻ hơn nữa. Thanks
Bài viết rất hay, tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó.
Keep going!