Trí tuệ nhân tạo (AI) luôn là một chủ đề được quan tâm của giới công nghệ. Kể từ khi được đề cập cập đến trong những năm giữa thế kỷ 20, đến nay AI đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đạt được nhiều thành tựu và hứa hẹn sẽ là một trong những động lực phát triển quan trọng của thế giới công nghệ trong tương lai. Hiện nay, AI đã được nghiên cứu và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như khoa học, y tế, giao thông, sản xuất, giáo dục, giao tiếp, giải trí,… Trong tương lai, AI có thể sẽ giúp con người đạt được nhiều thành tựu lớn, làm được những việc nằm ngoài khả năng vốn có của mình.
Có thể liệt kê một số mục đích của các dự án phát triển AI bao gồm phát triển khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, khả năng biểu diễn tri thức, khả năng học tập, khả năng xử lí ngôn ngữ tự nhiên, khả năng nhận diện hình ảnh và một số mục đích khác. Một số ứng dụng cụ thể của AI bao gồm:
- AI giúp phát hiện và điều trị bệnh
- AI giúp điều khiển xe tự động
- AI đóng vai trò là trợ lí ảo
- AI giúp nhận diện khuôn mặt
- AI giúp giao tiếp và cung cấp thông tin
- AI giúp tự động hóa chu trình sản xuất
Chỉ cần dẫn chứng một ví dụ về ứng dụng của AI trong phát hiện và điều trị bệnh cũng đủ để chứng minh cho tiềm năng của AI. Với lượng dữ liệu y tế và bệnh lý khổng lồ đã thu thập được từ thực tế, AI có thể nhanh chóng phát hiện được các triệu chứng bệnh, đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp với mức độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn rất nhiều so với các bác sĩ giỏi nhất. Chẳng hạn, với khả năng nhận diện hình ảnh chính xác, AI có thể phân tích và nhận diện các mầm mống bệnh tật trong các lớp phim chụp của bệnh nhân. Ưu điểm vượt trội của nó so với bác sĩ đó là nó hoạt động dựa vào năng lượng điện, có thể làm việc 24 giờ/ngày mà không mệt mỏi, và càng hoạt động thì càng thông minh hơn nhờ vào khả năng học hỏi rất nhanh chóng.
Mặc dù tiềm năng của AI đã được thể hiện rất rõ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ý kiến quan ngại về những rủi ro mà chúng ta có thể đối mặt. Nổi bật nhất là rủi ro về một tình huống mà AI sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của loài người, và thậm chí là tạo ra những thách thức đối với sự tồn vong của nhân loại. Hãy thử tưởng tượng một khung cảnh mà ở đó một Siêu AI có thể kiểm soát con người thông qua việc kiểm soát các nguồn tài nguyên, kiểm soát năng lượng, kiểm soát thông tin, kiểm soát nguồn nước, kiểm soát vũ khí và thậm chí là kiểm soát tâm trí của con người. Cũng có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh mối quan ngại này, chúng ta cũng không thể tính toán được hết tất cả những kịch bản có thể xảy ra, tuy nhiên cộng đồng công nghệ sắp tới sẽ phải có những giải pháp để phòng ngừa và đối phó với những tình huống rủi ro như vậy.
Như vậy, có thể nói rằng trí tuệ nhân tạo vừa là cơ hội vừa là thách thức cho giới công nghệ trong thời gian tới. Cùng với đó, trong tương lai, sự phát triển của AI đi kèm với sự phát triển trong cách lĩnh vực khác như khoa học lượng tử, công nghệ sinh học sẽ tạo nên những bước đột phá lớn cho loài người.