[#11] Những tin đồn về công việc lập trình

Khi một ai đó đang tìm hiểu về nghề lập trình, đôi khi sẽ được nghe một số tin đồn, một số trong đó thì nghe có vẻ hợp lí, nhưng một số thì lại gây hoang mang. Nội dung sau đây sẽ giúp làm sáng tỏ một số quan niệm thông thường liên quan đến công việc lập trình, kỳ vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về ngành nghề này.

Học lập trình thì cần phải giỏi toán

Khẳng định này vừa đúng mà lại vừa không đúng. Đúng là bởi vì có nhiều công việc trong ngành lập trình đòi hỏi một trình độ tư duy rất tốt, mà thông thường thì những người giỏi toán thì lại có được tư duy này. Không đúng là bởi vì có rất nhiều công việc trong ngành lập trình mà không đòi hỏi trình độ tư duy ở mức khủng, mà chủ yếu thiên về các thao tác giải quyết vấn đề theo cách thông dụng, có thể học và rèn luyện theo thời gian. Như vậy, nếu bạn có tư duy toán học tốt thì bạn có thể gặp thuận lợi khi bắt đầu học lập trình, nhưng nếu bạn không học toán tốt thì bạn vẫn có thể gia nhập ngành này, bởi vì thế giới lập trình rất là rộng lớn và có rất nhiều loại công việc ở đó. Tất nhiên, sự thành công ở trong một ngành nghề thì không thể chỉ dựa vào một yếu tố năng lực ban đầu được, mà nó còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người trong quá trình học cũng như đi làm về sau.

Phải rành về máy tính thì mới học lập trình được

Đây cũng là một quan điểm thường thấy, và nghe có vẻ hợp lí, nhưng thực chất là không hoàn toàn đúng. Lí lẽ đơn giản ở đây là: ai cũng có thể rèn luyện kỹ năng làm việc với máy tính. Một người đã có kỹ năng làm việc với máy tính thì có thể sẽ gặp thuận lợi hơn khi học lập trình so với một người chưa có kỹ năng đó. Nhưng, kể cả trong trường hợp một người chưa có kỹ năng làm việc với máy tính thì vẫn có thể bắt đầu được, những kỹ năng này không quá khó để nắm bắt, nhất là trong thời đại ngày nay.

Phải đam mê công nghệ thì mới học lập trình được

Thực tế thì sẽ có hai tình huống: tình huống thứ nhất là một người đam mê công nghệ, và nhờ đó mà học lập trình giỏi; tình huống thứ hai là một người cố gắng học giỏi rồi nhờ đó mà có niềm đam mê với công nghệ. Quả thật như vậy, bởi nếu một người chưa biết nhiều về công nghệ, chưa biết nhiều về lập trình thì làm sao họ đam mê cho được? Thế nên, nếu bạn chưa cảm thấy có đam mê với công nghệ nhưng vẫn muốn thử sức với lập trình thì không nên e ngại. Nếu bạn nỗ lực thì niềm đam mê sẽ tự đến với bạn.

Phải học thật nhiều thuật toán

Điều này đúng và cũng không đúng. Đúng là bởi vì phần lớn các thao tác trong lập trình thì đều cần đến thuật toán, cho nên nếu một người có tư duy giải quyết vấn đề tốt, và triển khai được nhiều thuật toán thì sẽ lập trình tốt. Tuy nhiên, câu này không đúng ở chỗ ngành lập trình rất là rộng, có rất nhiều các công việc mà chỉ cần sử dụng những thuật toán thông thường, có thể học và rèn luyện được qua thời gian. Do vậy, mấu chốt ở đây không phải là biết thật nhiều thuật toán, mà là lựa chọn công việc phù hợp với năng lực của mình.

Phải học tư duy lập trình

Điều này thì hoàn toàn đúng. Tư duy lập trình là nền tảng của tất cả các hoạt động của lập trình viên. Do đó, bất cứ ai muốn hoàn thành tốt công việc lập trình thì cần phải học tư duy lập trình. Chắc chắn bạn sẽ băn khoăn: vậy tư duy lập trình là gì? Đừng quá lo lắng, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc này ở các phần sau.

Phải lựa chọn ngôn ngữ lập trình hot mà học

Nếu xem tư duy lập trình là nền tảng thì ngôn ngữ lập trình là công cụ không thể thiếu của lập trình viên. Ngôn ngữ lập trình sẽ giúp lập trình viên chuyển tư duy của mình thành các phần mềm cụ thể, thiếu ngôn ngữ lập trình thì lập trình viên chỉ biết nghĩ mà không tạo ra được sản phẩm thực tế nào. Tuy nhiên, việc theo đuổi một ngôn ngữ lập trình hot là không cần thiết, bởi vì thế giới ngày nay có hàng trăm thậm chí là hàng nghìn ngôn ngữ lập trình khác nhau, phần lớn trong số chúng đều hữu ích và có thể giúp bạn có việc làm trong ngành này. Mặc dù có một số ngôn ngữ lập trình được coi là hot hơn các ngôn ngữ lập trình khác, nhưng điều này thường chỉ đúng trong một giai đoạn nào đó do nhu cầu tuyển dụng tại thời điểm đó. Ngoài ra, sau một thời gian làm việc thì một lập trình viên thường sẽ sử dụng được nhiều ngôn ngữ lập trình cứ không chỉ là một, bởi vì như đã nói trước đó rằng ngôn ngữ lập trình chỉ là công cụ, do vậy một người sử dụng được nhiều công cụ thì cũng là điều bình thường.

Phải lựa chọn framework hot để mà học

Cũng tương tự như đối với các ngôn ngữ lập trình, các framework cũng có độ hot nhất định. Độ hot này thường được sinh ra bởi nhiều thông số, trong đó có mức độ phổ biến của chúng tại một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, framework cũng chỉ là một trong số nhiều công cụ của lập trình viên, do đó không nên chạy theo framework mà hãy rèn luyện thật vững tư duy lập trình của mình. Các framework thực sự là dễ nắm bắt hơn rất nhiều so với những hiểu biết nền tảng về lập trình. Rồi bạn sẽ thấy, sau một thời gian đi làm mình sẽ làm chủ được nhiều framework chứ không chỉ là một.

Phải học kỹ năng mềm thì mới đi làm được

Nhận định này là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên điều đáng buồn là nhiều lập trình viên lại không để ý đến kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm ở đây được hiểu là các kỹ năng làm việc ngoài chuyên môn lập trình. Có thể kể đến các kỹ năng như giao tiếp, quản lí công việc, quản lí thời gian, sử dụng phần mềm, xử lí vấn đề,… Đây là các kỹ năng không thể thiếu để hoàn thành tốt công việc hằng ngày, do vậy các lập trình viên không thể không trang bị chúng. Có một đặc điểm của công việc phát triển phần mềm đó là chúng ta thường phải cộng tác với rất nhiều người, hoặc với rất nhiều nhóm người. Hiếm khi một cá nhân duy nhất làm việc trong một dự án phần mềm. Do vậy, các kỹ năng quản lí công việc, giao tiếp, cộng tác nhóm là rất cần thiết để công việc có thể trôi chảy.

Lương của lập trình viên rất cao, cứ năm sau thì kiểu gì cũng cao hơn năm trước

Điều này là đúng, nhưng hãy cẩn thận. Hiện tượng lương của lập trình viên tăng đều theo số năm kinh nghiệm là do sự thiếu hụt về nhân lực, do tình trạng khan hiếm khi tuyển dụng. Nhưng điều này cũng có thể chỉ là hiện tượng trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như trong hơn 10 năm trở lại đây. Do đó, các lập trình viên không nên quá chủ quan vì mức thu nhập của mình luôn cao hơn các ngành nghề phổ thông khác, mà thay vào đó thì nên tập trung phát triển năng lực của mình, để tạo được một lợi thế cạnh tranh bền vững về sau.

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

Sliding Sidebar

Facebook